Xe buýt tiếp tục gặp khó đợt dịch Covid-19
Đợt dịch Covid-19 xảy ra những tháng đầu năm 2020 vừa lắng xuống, ngành Vận tải hành khách kỳ vọng sẽ sớm phục hồi sản xuất thì đợt dịch mới bùng phát khiến các doanh nghiệp vận tải xoay xở không kịp. Trong đó, hoạt động vận tải xe buýt trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sản lượng hành khách đi lại giảm mạnh so với trước đây.
* Chưa thể khôi phục hết công suất
Từ giữa tháng 5-2020, các tuyến xe buýt trong tỉnh bắt đầu hoạt động bình thường trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Song lượng hành khách đi lại đạt khoảng 50-60%, thậm chí có những tuyến giảm mạnh chỉ đạt 30-40% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do người dân vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hạn chế đi lại.
Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà (TP.Biên Hòa) cho biết, doanh nghiệp điều hành tuyến xe buýt số 2 từ Bến xe Biên Hòa đi Bến xe Nhơn Trạch. Đây là một trong những tuyến có lượng khách đi lại ổn định so với các tuyến khác. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, lượng hành khách giảm rõ rệt.
Từ tháng 5-2020 đến nay, việc kinh doanh phục hồi chậm nên doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng, giảm số lượng chuyến cho phù hợp. Đến khi lượng vận chuyển hành khách dần ổn định trở lại thì đợt dịch mới bùng phát. Vấn đề này khiến doanh nghiệp đã gặp khó càng khó thêm. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian gần đây, nhiều xí nghiệp, công ty ngưng hoạt động khiến lượng công nhân đi lại bằng xe buýt giảm hẳn.
Mới đây, Sở GT-VT cho biết, 5 tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM sẽ tạm ngưng hoạt động nhằm góp phần kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, 5 tuyến xe buýt liên tỉnh này đều là các tuyến không trợ giá, bao gồm các tuyến số: 5 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Chợ Lớn), 601 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Miền Tây), 602 (Phú Túc - Đại học Nông lâm), 603 (Khu công nghiệp Nhơn Trạch - Bến xe Miền Đông) và 604 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Hố Nai).
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) cho biết, đơn vị có nhiều tuyến hoạt động liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM, tỉnh Bình Dương. Đây đều là những tuyến xe buýt mà phần lớn sinh viên, công nhân, người lao động thường xuyên đi lại. Việc tạm dừng hoạt động cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn thu của các chủ xe, thành viên trong HTX.
“Vì là những tuyến không trợ giá nên khi tạm dừng hoạt động sẽ khiến HTX gặp khó khăn. Doanh thu không có nhưng chi phí về nhân sự, phí bảo trì đường bộ, bến bãi… chủ xe vẫn phải trả” - ông Thiện nói.
* Linh động phương án kinh doanh
Từ cuối tháng 7 đến nay, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát khiến ngành Vận tải hành khách nói chung và vận tải hành khách xe buýt nói riêng vốn bị ảnh hưởng nặng nề nay càng thêm khốn đốn. Tại các bến xe, trạm xe buýt hầu hết các xe đều ít người đi, thậm chí có những chuyến xe buýt trống hành khách ở cả hai chiều đi và về.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp, HTX tham gia vận tải hành khách xe buýt. Trong đó, có 6 tuyến xe được trợ giá, 12 tuyến xe hoạt động liên tỉnh. Từ khi xe buýt được hoạt động trở lại, tính đến nay số chuyến xe buýt là trên 1.500 chuyến/ngày với lượng khách đạt hơn 30 ngàn lượt người. So với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, số lượng chuyến đạt khoảng 60-70%, lượng khách sụt giảm mạnh khoảng 60%.
Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 74/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ. Theo đó, từ ngày 10-8 đến hết 31-12-2020, ô tô kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có xe buýt sẽ chỉ nộp phí bằng 70% mức thu quy định trước đó. Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức giảm này đã hỗ trợ phần nào khó khăn tuy nhiên vận tải hành khách là lĩnh vực đặc thù, ngừng hoạt động trong thời gian dài nên cần có phương án điều chỉnh phù hợp hơn.
Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đỗ Thị Hải Phương cho biết, do lượng vận chuyển hành khách giảm dẫn đến doanh thu, hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt thấp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kịp khôi phục hoạt động bình thường như trước.
Sở GT-VT đã hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách xe buýt căn cứ vào tình hình, nhu cầu thực tế để cân đối phương án kinh doanh. Đối với những tuyến có số lượng hành khách ổn định thì duy trì hoạt động bình thường. Còn những tuyến ít người đi lại, hành khách giảm thì có thể điều chỉnh tần suất, thời gian nối chuyến cho phù hợp.
Chủ động phòng dịch trên xe buýt
Sở GT-VT đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách công cộng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho người dân khi đi xe buýt. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải yêu cầu đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc, trao đổi với hành khách theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trên xe phải trang bị dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn) cho khách sử dụng.