Xe chở cát quá tải từ bến không phép quần thảo vùng giáp ranh Hà Nội - Hòa Bình
Từng đoàn xe chở cát vượt kích thước thành thùng, có dấu hiệu chở quá tải ngày đêm cày xới các tuyến đường ở khu vực giáp ranh giữa TP Hòa Bình và Thủ đô Hà Nội khiến người dân bức xúc.
Dân khổ vì xe quá tải quần thảo suốt ngày đêm
Nhiều tháng phải sống cảnh ô nhiễm bởi bụi cát, tiếng ồn suốt ngày đêm, người dân xóm Tôm, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã phải gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi.
Qua thư gửi tới tòa soạn, kèm các đoạn video clip, chị Nguyễn P.L (trú xóm Tôm) khẩn thiết mong Báo Giao thông sớm có phản ánh để cứu cuộc sống của hàng chục hộ dân trong xóm.
Chị L cho biết: Nhiều tháng nay, xe chở cát từ khắp các nơi đổ về các bến cát bên đường tỉnh 445 để lấy cát đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Xe quá trọng tải đi suốt ngày đêm, kể cả 22-23h đêm, khiến cát rơi vãi khắp đường. Ngày nắng thì bụi như sương mù, ngày mưa thì lầy lội. Trong khi đó, tuyến đường hư hỏng, ổ gà ổ voi chi chít mà không được sửa chữa.
Từ phản ánh của độc giả, trong các ngày 31/3 và 1/4, PV Báo Giao thông đã về tận nơi để ghi nhận.
Xóm Tôm, xã Thịnh Minh là một xóm nằm ven sông Đà, nơi giáp ranh 3 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và TP Hà Nội. Tại đây có trục đường tỉnh 445 nối từ đầu Kỳ Sơn về xã Thịnh Minh. Tuyến đường này cũng nối sang xã Khánh Thượng của huyện Ba Vì, Hà Nội.
Ở ngay khúc cua đầu xóm (Km 15+00 –km 15+500) có 4 bến cát: Tiến Sao, Hoàng Tám, Dũng Huyền, Bến Thuận đang hoạt động. Tại đây, cát được các tàu khai thác từ dưới lòng sông Đà, sau đó bơm qua đường ống lên các bến bãi. Thời điểm phóng viên có mặt, luôn có từ 10 - 15 xe tải các loại (chủ yếu là xe 4 chân và đầu kéo) đang xếp hàng để chờ máy xúc múc cát lên thùng xe.
Cát lần lượt được đổ đầy ắp các thùng. Khi đã thành ngọn, lái máy xúc cho gàu nén chặt, rồi gạt cho cát trên thùng bằng phẳng, nhưng luôn cao hơn thành thùng 10 - 20cm. Sau đó, các lái xe sẽ trèo lên thùng xe, dùng xẻng đập ép phần cát ở rìa, trước khi phủ bạt rồi lên đường rời bãi.
Qua số điện thoại 097436946x niêm yết tại Bến cát Hoàng Tám, PV liên hệ để hỏi mua cát san lấp thì được một người phụ nữ nhận mình là chủ mỏ, cho biết: Giá cát bán tại mỏ là 65 (65.000 đồng/m3), không phân biệt thành phần hạt. Bến không xuất hóa đơn cát.... Hôm nay mỏ đang nghỉ và phải nghỉ vài ngày nữa để thanh tra. Các mỏ ở đây cũng nghỉ cả.
Ngồi chăn trâu ven đường, cách bãi cát chừng 100m, bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi) bức xúc: Họ bơm hút cát, chạy xe cả ngày đêm khiến người dân chúng tôi mất ăn mất ngủ. Nhà tôi ngay ngã ba, bụi lắm. Hễ có xe đi qua, bụi cuộn lên mù mịt, cát bay khắp nhà.
"Đấy chú xem, thửa ruộng bên kia đúng ra thời điểm này phải cấy xong rồi nhưng vừa rồi họ để nước bùn, cát chảy vào không cấy được, giờ vẫn đang chất mạ thành đống chờ", bà Liên nói.
Thấy phóng viên, ông Nguyễn Quang Vinh cũng tiến lại kể: Xe chạy là cát tứa ra đường. Có lúc dày lên tới 10 - 20 cm. Ngày mưa, trẻ con, người lớn đi lên ngã oành oạch. Hôm trước, con dâu tôi khi đi đón 2 đứa nhỏ từ trường về cũng bị ngã. May lúc ấy xe tải nó đang ở cách một đoạn chứ cũng không biết hậu quả thế nào.
Ông Trần Quang Nam (51 tuổi, nhà mặt đường 445) tiếp lời: Chúng tôi bức xúc lắm mà không biết kêu ai. Cuối năm 2023, mọi người bắt đầu họp nhau, rồi làm đơn phản ánh lên thôn, lên xã, nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi... Cách đây đúng 4 ngày, chúng tôi gửi đơn lên lần 3 thì mới thấy có người tưới nước, quét đường. Nhưng với lượng xe chạy lên đến gần 1.000 lượt/ngày đêm thì quét, tưới như vậy không có tác dụng.
"Chúng tôi mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giải thích cho người dân chúng tôi. Các bến bãi đó đã được cấp phép hay chưa mà khai thác cả ngày lẫn đêm. Rồi xe chở quá tải, cao ngất ngưởng như vậy, tại sao không xử lý?", anh Nam đặt câu hỏi.
Bến bãi tiếp tay xe quá tải, lực lượng chức năng kêu khó
Theo chủ một doanh nghiệp vận tải, thông thường một xe đầu kéo chỉ được chở tối đa 28 tấn hàng (tương đương với 22m3 cát). Trong khi thể tích thùng đầu kéo chưa cơi nới là 24m3. Với thể tích này, chỉ chở cát bằng thùng cũng đã vượt tải trọng cho phép, chứ chưa nói chở cao lên 10 - 20cm. Khi cân, chắc chắn các xe này sẽ quá tải, ít nhất là từ 50% trở lên.
Điều này cũng được thể hiện rất rõ khi lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hòa Bình cân kiểm tra ngẫu nhiên 1 xe chở cát BKS 61H-030.72 vào chiều ngày 31/3. Kết quả, xe này chở quá tải lên đến 87,81%.
Đáng nói, quá trình ghi nhận tại đây, PV nhận thấy cả 4 bến bãi ở xóm Tôm đều không lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng. Một cán bộ công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho biết: Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi. Đây là một trong những điều kiện để cấp phép hoạt động bến bãi. Việc kiểm tra, quản lý bến bãi được phân công cho chính quyền địa phương ở đây là cấp xã và Sở Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định phạt các chủ bến bãi nếu không lắp các thiết bị trên.
Rõ ràng việc các chủ bến bãi cố tình cho bốc xếp lượng cát vượt thành thùng xe và không lắp đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng phương tiện là hành vi tiếp tay cho xe quá tải. Nguy hại hơn, việc này còn tạo cơ hội cho chủ mỏ khai thác vượt khối lượng, trữ lượng cho phép, gây chảy máu tài nguyên.
Một cán bộ Phòng quản lý vận tải thuộc Sở GTVT Hòa Bình thông tin, qua rà soát hồ sơ, khu vực xóm Tôm, xã Thịnh Minh và đường tỉnh 445, Sở chưa cấp phép hoạt động bến cát sỏi, bến thủy nội địa cho bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào. Nếu có bến đang hoạt động thì là hoạt động chui, trái phép. Trách nhiệm kiểm tra xử lý thuộc về chính quyền địa phương và UBND TP Hòa Bình.
Tuy nhiên, khi PV tới UBND xã Thịnh Minh, lãnh đạo xã đi vắng, điện thoại nhiều lần đổ chuông nhưng không nghe máy.
Ông Hoàng Văn Chìu, Chủ tịch xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì thừa nhận: Đúng là có tình trạng xe chở cát từ Hòa Bình sang Hà Nội thường xuyên đi qua các tuyến đường tỉnh 415, 445 trên địa bàn xã, gây bụi bẩn, hư hại đường sá. Xã đã kiến nghị nhiều lần, huyện cũng đã chỉ đạo nhưng tình hình không được cải thiện. Đầu đường 445 có biển cấm xe 10 tấn nhưng họ vẫn đi. Đường tỉnh lộ do Sở GTVT quản lý nên xã không làm gì được.
Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an TP Hòa Bình, cho biết: Chỗ này có một cái khó là vị trí khai thác và đoạn đường vận chuyển chỉ có 500m là sang địa phận Hà Nội. Sau khi nhận phản ánh, Đội đã cử một tổ xuống kiểm tra xử lý, tuy nhiên khi lực lượng CSGT xuất hiện, các xe lập tức dừng hoạt động hoặc đỗ lại trong các bến, bãi. Cả chiều 31/3, tổ chỉ lập biên bản xử lý được một trường hợp vi phạm quá tải ở mức từ 50 - 100%.
Hiện Đội giao một tổ tạm thời cắm chốt và tuần lưu liên tục để xử lý. Tuy nhiên, để xử lý được triệt để, cần có sự phối hợp của lực lượng chức năng Hà Nội. Tới đây, Đội sẽ báo cáo lên công an thành phố và công an tỉnh để tỉnh có ý kiến với phía Hà Nội, sau khi tỉnh cho phép, sẽ kế hoạch phối hợp xử lý.