Xe công nghệ nắm luật chơi, ép khách hàng, đối tác
Những ngày qua, thông tin Grab phụ thu 'phí nắng nóng' đã khiến người tiêu dùng bức xúc. Đây không phải lần đầu tiên hãng xe công nghệ này đưa ra phụ phí. Phải chăng khi đã có thị trường, trong tay lại nắm luật chơi, hãng xe có quyền ép khách hàng và cả đối tác tài xế của mình.
Năm 2014 Grab có mặt ở thị trường Việt Nam với cái tên Grab taxi và sau đó là dịch vụ Grabbike, hãng xe này chưa tạo được ấn tượng với người tiêu dùng vì khái niệm xe công nghệ còn rất xa lạ. Qua năm 2015, Grab được thí điểm ở 5 thành phố lớn và bằng những chiêu thức khuyến mại khủng, người tiêu dùng đã dần làm quen với xe ôm công nghệ, taxi công nghệ.
Cùng với thu hút người dùng, việc lôi kéo đối tác tài xế cũng quan trọng không kém. Các chương trình chiết khấu hấp dẫn, những món thưởng lớn liên tục được đưa ra đã thu hút những người sở hữu xe máy, ô tô đứng vào hàng ngũ đối tác tài xế của Grab. Nhiều người vay tiền ngân hàng mua xe ô tô để chạy taxi công nghệ vì thu nhập quá tốt.
Lực lượng xe máy công nghệ ngày càng đông, nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học cũng nhanh chóng gia nhập đội ngũ này vì thu nhập khá và thời gian làm việc linh hoạt. Đây cũng được xem là giai đoạn lao đao của nhiều hãng taxi và đội ngũ xe ôm truyền thống.
Không chỉ thu hút người dùng và đối tác tài xế, Grab còn từng bước hoàn thiện dịch vụ của mình. Bên cạnh Grab taxi, Grabbike, hãng còn hình thành nhiều dịch vụ như Grab giao hàng, giao đồ ăn và đi chợ hộ… Thoạt nhìn đều là phục vụ nhu cầu người tiêu dùng giúp họ được hưởng nhiều tiện ích hơn, ít tốn công sức hơn. Nhưng lâu dần là hình thành thói quen phụ thuộc vào các app công nghệ.
Sau khi vung tiền có được thị trường nhất định, cuộc chơi bắt đầu có sự thay đổi và luật chơi được đưa ra bởi các hãng xe công nghệ. Niềm vui của các đối tác tài xế không kéo dài quá lâu, khi Grab bắt đầu tăng chiết khấu trên mỗi cuốc xe, đồng thời giảm dần các chương trình thưởng khủng. Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 đã có vài cuộc đình công của các tài xế, phản đối việc hãng xe công nghệ này nâng chiết khấu cũng như đưa thêm một số quy định ngặt nghèo hơn với tài xế.
Thế nhưng mọi chuyện cũng không thể thay đổi. Hãng xe vẫn tiếp tục nâng chiết khấu, còn tài xế không thể bỏ việc (vì xe đã mua hoặc đã quen với việc làm việc linh hoạt, không gò bó). Với người tiêu dùng các chương trình khuyến mại cũng ít hơn, giá cao dần, nhưng khi đã quen với việc đặt xe trên app họ khó bỏ được các hãng xe công nghệ.
Thực tế, nếu nhìn dưới góc độ kinh doanh việc này không có gì quá đáng. Vì sau khi có được thị trường các hãng xe cũng phải giảm các chương trình khuyến mại, tăng chiết khấu từ các cuốc xe để bù lại những khoản tiền khủng đã vung ra trước đó. Thế nhưng chiết khấu và cước của mỗi cuốc xe ngày càng cao, đã khiến khách hàng và đối tác chán nản. Bồi thêm vào là phụ phí nắng nóng càng như thêm dầu vào lửa.
Cụ thể, từ 6-7 Grab thông báo áp dụng thu thêm phụ phí nắng nóng tại các địa phương với mức 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau thông báo này.
Như thế nào được tính là nắng nóng, rồi trong một cuốc xe điểm đón đang nắng nhưng điểm trả khách lại mưa, tiền phụ phí có được hoàn về cho khách không… Đó là chưa kể tiền phụ phí thoạt nghe rất nhân văn vì nhằm hỗ trợ tài xế, nhưng thực tế khi cộng trực tiếp vào giá cước hãng xe cũng được ăn chia phần phí này.
Người tiêu dùng cho rằng, phụ phí nắng nóng của Grab là sự “kéo dài” những phụ phí hãng này từng thu của khách như giờ cao điểm, kẹt xe, Tết… Đáng nói, tất cả phụ phí hãng đều “ngồi mát ăn bát vàng”, không phải là bù đắp riêng cho tài xế. Nhìn vào các tài xế mới thấy họ ngày càng thiệt thòi trong hành trình làm đối tác của các hãng xe công nghệ nói chung và Grab nói riêng, nhất là khi giá xăng dầu tăng.
Theo đó, dù giá xăng có đứng yên hay tăng hãng vẫn nhận về khoảng 25% chiết khấu cho 1 cuốc xe (dao động tăng tùy hãng). Trong khi với tài xế khi giá xăng tăng cũng với mức nhận về khoảng hơn 65%, có nghĩa thực nhận giảm đi nhiều. Người tiêu dùng và các đối tác tài xế đang bị ép một cách không lành mạnh.
Ngay khi phụ phí nắng nóng được Grab đưa ra, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có công văn yêu cầu Grab phối hợp cung cấp thông tin. Cục này yêu cầu Grab cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay dựa vào căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, cũng như các thông tin, tài liệu liên quan khác. Mọi chuyện phải chờ sau ngày 18-7 mới biết được các thông tin cụ thể, cũng như việc phí nắng nóng có tiếp tục được hãng thực hiện không.
Nhân câu chuyện vào cuộc của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, nhiều người lật giở lại hành trình xuất hiện của các hãng xe công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý. Ngay từ khi hãng xe công nghệ xuất hiện cơ quan quản lý đã có phần lúng túng, điều này cũng dễ hiểu vì đây là hình thức kinh doanh mới. Nhưng đến nay nó đã không còn mới nhưng luật chơi dường như vẫn nằm trong tay các hãng xe.
Vẫn biết thị trường có tự do kinh doanh và cạnh tranh, nhưng mọi sự tự do vẫn cần có khuôn khổ. Nhà nước cần có những quy định mang tính định hướng để đảm bảo lợi ích các bên, trong trường hợp này là lợi ích của khách hàng và các tài xế. Đừng để cứ sau khi sự việc xảy ra cơ quan quản lý mới vào cuộc.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường cạnh tranh công bằng, khách hay tài xế không thích có thể chuyển sang hãng xe công nghệ khác hoặc quay về với hình thức kinh doanh truyền thống. Quay về truyền thống khó vì hiếm ai tiến lên rồi lại đi giật lùi. Trong khi chuyển qua hãng công nghệ khác cũng không đơn giản, vì thị trường hiện nay chủ yếu có 3 cái tên Grab, Gojek và Be, trong đó thị phần của Garb quá lớn ước chừng khoảng 70%.