Xe container chạy suốt ngày đêm khiến Cát Lái ô nhiễm nhất TP.HCM
Chuyên gia lý giải trạm Cát Lái (quận 2) trở thành nơi ô nhiễm nhất TP.HCM 9 tháng đầu năm do khí thải từ hoạt động giao thông tại khu vực này, đặc biệt là xe container.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), lý giải nguyên nhân khiến trạm Cát Lái (quận 2) trở thành nơi ô nhiễm nhất TP.HCM 9 tháng đầu năm nay là do tình hình giao thông tại khu vực này.
“Chủ yếu do xe container di chuyển liên tục suốt ngày đêm. Nhiều khi kẹt xe hàng dãy, cả tiếng đồng hồ làm cho khu vực này ô nhiễm bụi cao”, ông Sơn giải thích.
Đồng tình với nhận định trên, GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, cho rằng xe container chở hàng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực này.
Ông phân tích thêm khi ùn tắc, các xe vẫn liên tục nổ máy khiến mật độ chất thải tăng, cùng với độ ẩm cao do nằm gần sông Đồng Nai kết hợp sương mù dày nên sự lưu thông khí bị hạn chế. Chất gây ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao mà bị giữ ở tầng khí quyển sát mặt đất khiến bầu không khí đặc quánh.
"Các điểm đen ô nhiễm gắn bó mật thiết với điểm đen giao thông, thường nơi nào ách tắc nhiều thì ô nhiễm cao nên quản lý không tốt cái này sẽ lập tức ảnh hưởng tới cái kia”, GS Bá nhận định.
Đại diện Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường khẳng định kết quả quan trắc tại trạm Cát Lái không phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí của toàn TP.HCM mà chỉ là một điểm đen.
“Trung tâm lựa chọn quan trắc trong TP những vị trí không khí chịu tác động xấu nhất nên số liệu vượt chuẩn nhiều. Tuy nhiên, đây không phải bức tranh chung toàn TP”, ông Sơn giải thích với Zing.vn.
Trước đó, tại buổi họp báo hôm 20/9, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thông tin tình hình ô nhiễm 9 tháng đầu năm 2019 ở TP.HCM. Trong đó, trạm Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) là nơi ô nhiễm nhất TP với chỉ số bụi lơ lửng vượt 99% và tiếng ồn vượt 100% mức cho phép.
Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước cũng luôn cao và thường xuyên vượt quy chuẩn.
Cụ thể, kết quả quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy số liệu bụi lơ lửng vượt 50,8% và số liệu tiếng ồn vượt 93,9% quy chuẩn cho phép.
Kết quả này dựa trên quan trắc chất lượng không khí hàng tháng bằng phương pháp thủ công tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày trong tháng. Kết quả quan trắc được thông tin đến người dân qua bảng quang báo trong TP sau khoảng 1 tháng kể từ thời điểm đo.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM dự kiến năm 2020 TP.HCM sẽ có 9 trạm quan trắc tự động và năm 2030 sẽ hoàn chỉnh 18 trạm cố định, 1 trạm di động.