Xe đâm phải cục đá trên cao tốc, ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Theo luật sư, tùy theo tình huống, xác định trách nhiệm lỗi của các bên mà buộc đơn vị vận chuyển hoặc đơn vị quản lý đường cao tốc có trách nhiệm bồi thường.
Tối 16-4, anh Lưu Quang Chung (ngụ tại Tây Hồ, Hà Nội) cùng vợ đi trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam thì gặp một vật cản có kích thước lớn.
Do đường tối và bị đèn pha từ hướng chiều ngược gây lóa, khi xe đang ở tốc độ khoảng 90km/h và phía sau là một chiếc ô tô tải, anh Chung chỉ kịp đánh lái nhẹ và bị tông trực diện rất mạnh vào vật cản.
Sau khi tai nạn xảy ra, chiếc xe của anh Chung bị hư hỏng khá nặng và được đại lý báo chi phí sửa chữa gần 70 triệu đồng. Vật cản trên là một bưu kiện của một đơn vị vận chuyển, được bọc lại cẩn thận, có ghi rõ địa chỉ người nhận.
Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), điều 85 Luật giao thông đường bộ 2008 và điều 20 Nghị định số 32/2014 quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ, đường cao tốc quy định trách nhiệm quản lý hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải; hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm; đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì.
Tuy nhiên, có một số trường hợp như các dự án BOT thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính căn cứ vào các quy định về chấp thuận đầu tư dự án, các hợp đồng BOT…
Trong trường hợp của anh Chung, theo LS Tuấn, đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua hợp đồng với cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư.
Các đơn vị này có trách nhiệm đảm bảo vận hành, quản lý, bảo dưỡng, duy tu; thanh tra, giám sát thường xuyên; kịp thời vệ sinh, sửa chữa, khắc phục sự cố khi công trình bị hư hỏng, có sự cố, vật cản gây khó khăn, cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông.
Trường hợp không sửa chữa, dọn dẹp, khắc phục kịp thời, không thực hiện các biện pháp cảnh báo an toàn nếu để xảy ra hậu quả như hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tham gia giao thông... thì các đơn vị này có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh do lỗi của mình.
Việc xe của đơn vị vận chuyển chở hàng làm rơi ra đường là hành vi vi phạm luật giao thông. Người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt từ 2-4 triệu đồng theo Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong trường hợp của anh Chung có hai tình huống.
Thứ nhất, nếu cục đá do đơn vị vận chuyển làm rơi trên đường trong quãng thời gian ngắn, không đủ thời gian cho đơn vị tổ chức, khai thác, bảo trì đường cao tốc phát hiện để tổ chức dọn dẹp, vệ sinh hoặc cảnh báo. Trong trường hợp này, đơn vị vận chuyển làm rơi cục đá kia phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp thứ hai, nếu cục đá bị rơi trong khoảng thời gian đủ dài nhưng đơn vị tổ chức, khai thác, bảo trì đường cao tốc do sơ suất trong ca trực không phát hiện để tổ chức dọn dẹp, vệ sinh hoặc cảnh báo hoặc phát hiện nhưng chậm hoặc không xử lý, dọn dẹp, cảnh báo thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định BLDS.