Xe đạp công cộng - phương tiện giúp kết nối xe buýt hiệu quả

Sau gần 1 năm triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, hiện tại phương tiện này đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc kết nối với các tuyến buýt, tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Tuyến đường thí điểm ưu tiên cho xe đạp tại đường ven sông Tô Lịch.

Tuyến đường thí điểm ưu tiên cho xe đạp tại đường ven sông Tô Lịch.

Không chỉ là trải nghiệm

Từ tháng 8-2023, người dân Hà Nội đã được sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại 6 quận nội thành, đây là dịch vụ do Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cung cấp với gần 100 trạm và hơn 1.000 xe. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Sau một thời gian, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại Hà Nội đã bổ sung thêm một sự lựa chọn thiết thực cho người dân Thủ đô, không chỉ là sự trải nghiệm mà còn mang tính kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác. Ngoài ra, đối với khách du lịch, dịch vụ xe đạp công cộng còn tạo thêm điểm nhấn du lịch sạch “không khói bụi” và giúp khách du lịch khám phá Hà Nội theo một phong cách khác.

Để sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng, hành khách cần tải ứng dụng TNGo trên điện thoại thông minh và đăng ký mở tài khoản, kết nối ví điện tử và tiến hành nạp tiền thanh toán cho các lượt đi. Sau khi thanh toán xong, hành khách sẽ được sử dụng xe đạp trong 60 phút nếu mua vé 10.000 đồng/lượt, quá 60 phút, khách hàng chỉ phải trả thêm 3.000 đồng cho 15 phút tiếp theo.

Xe đạp công cộng không chỉ giúp kết nối xe buýt mà còn là phương tiện trải nghiệm du lịch.

Xe đạp công cộng không chỉ giúp kết nối xe buýt mà còn là phương tiện trải nghiệm du lịch.

Phạm Hồng Loan, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Dịch vụ xe đạp công cộng rất hay và tiện lợi cho dù mới đưa vào hoạt động. Người dùng chỉ cần có trên tay chiếc điện thoại thông minh, sau đó tải ứng dụng và nạp tiền là có thể sử dụng. Theo em xe đạp công cộng giúp kết nối các tuyến xe buýt rất hữu hiệu, ngoài ra đối với người có quãng đường đi lại không xa thì sử dụng xe đạp rất phù hợp thay vì đi xe máy”.

Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết, việc triển khai thí điểm mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội bước đầu đã mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường. Thống kê chỉ từ tháng 12-2021 đến tháng 11-2023, người dùng dịch vụ đã đi hơn 6 triệu km, giảm 183.000kg khí CO2/năm thải ra môi trường so với khi di chuyển bằng ô tô, xe máy.

Về hiệu quả kết nối giao thông công cộng, các trạm xe đạp đến nay đã giúp kết nối các điểm dừng xe buýt, BRT, đường sắt đô thị với hơn 402.000 chuyến xe đạp, chiếm 32,9% tổng số chuyến đi.

Mảnh ghép không thể thiếu

Theo một số chuyên gia giao thông, xe đạp công cộng là một mảnh ghép không thể thiếu trong hệ thống giao thông công cộng tại đô thị và mang tính kết nối rất cao. Hiện tại, dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội đã thu được những kết quả tích cực ban đầu, tuy nhiên, trong tương lai cần tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng dịch vụ xe đạp công cộng, phát triển xe đạp công cộng như một phương tiện xanh thân thiện với môi trường.

Xe đạp công cộng lưu thông trên đường phố Hà Nội.

Xe đạp công cộng lưu thông trên đường phố Hà Nội.

Các cơ quan công sở, doanh nghiệp cần có biện pháp khuyến khích cán bộ, nhân viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trong đó có dịch vụ xe đạp công cộng. Với khoảng cách từ 3km trở lại ở trong nội thành thì việc sử dụng xe đạp công cộng thay thế cho xe máy là rất phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao sức khỏe thể chất.

Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết: “Đi xe buýt giúp tiết kiệm chi phí đi lại, giảm ách tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chất lượng dịch vụ xe buýt của thành phố Hà Nội rất tốt. Xe buýt được áp dụng những công nghệ hiện đại, hệ thống giao thông công cộng còn có thêm xe buýt mini, xe đạp công cộng để kết nối các tuyến buýt lớn và hệ thống tàu điện trên cao, rất tiện lợi. Có thể nói, hệ thống giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội đang dần tiệm cận với các nước phát triển”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, Thành phố đã có một tuyến đường sắt đô thị và chuẩn bị đưa thêm một tuyến nữa vào vận hành. Đó là một cú hích tạo ra một thói quen đi lại mới cho người dân. Giữa các tuyến đường sắt đô thị cần có sự kết nối bằng xe buýt, xe đạp công cộng để hành khách di chuyển từ tuyến này sang tuyến khác được thuận tiện”.

Theo các chuyên gia giao thông, để phát huy tất cả thế mạnh vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Trong đó, cùng với hệ thống đường sắt đô thị được cải thiện và kết nối với hệ thống xe buýt, cần tiếp tục quan tâm phát triển xe đạp công cộng thu hút đông đảo người dân tham gia, giảm thiểu phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tại các nước có hệ thống giao thông công cộng phát triển, xe đạp công cộng là phương thức tối ưu để di chuyển, kết nối hiệu quả các loại hình vận tải công cộng khác. Đây cũng là loại hình "di chuyển xanh" được nhiều quốc gia lựa chọn tạo thành một mạng lưới, mô hình giao thông xanh hoàn chỉnh.

Để tạo điều kiện cho xe đạp công cộng phát triển, một số chuyên gia giao thông cho rằng, nên có làn đường riêng dành cho xe đạp hoặc làn đường ưu tiên cho xe đạp. Đặc biệt, để có không gian làm bãi đỗ xe đạp công cộng, việc tăng cường quản lý, sắp xếp và giữ gìn trật tự cho không gian vỉa hè đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xe-dap-cong-cong-phuong-tien-giup-ket-noi-xe-buyt-hieu-qua-671831.html