'Xe đạp thồ' - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.
Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.
Theo chị Ngô Thị Lai chia sẻ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia và hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500 km. Xe đạp thồ trở thành loại phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng suất.
Những chiếc xe đạp thồ được ví như "vua vận tải” chiến trường bởi sự linh hoạt, nhỏ gọn, cơ động. Xe có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi, sông suối để vận chuyển vật tư cồng kềnh hay chất lỏng (xăng, dầu) mà không cần nhiên liệu, lại dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi trong mọi điều kiện thời tiết. Việc vận chuyển bằng xe đạp thồ có hiệu quả cao trên những cung đường mòn nhỏ hẹp, khúc khuỷu. Nói về kỳ tích xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng trước đây”.
Lúc đầu, mỗi xe đạp thồ chỉ chở được 80 kg - 100 kg, sau nhờ các sáng kiến cải tiến đơn giản mà hiệu quả của các dân công, mức trọng tải được nâng dần lên 150 kg, rồi 200 kg. Thậm chí có những "kỷ lục” không tưởng về vận chuyển hàng hóa do những người nông dân tham gia dân công hỏa tuyến như Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) lập nên khi vận chuyển 352 kg/chuyến, Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển được 320 kg/chuyến. Nhờ những chiếc xe đạp thồ, trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam không bị gián đoạn về lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm cần thiết.
Nói về hiệu quả của "binh đoàn” xe thồ trong chiến dịch, bà Nguyễn Thị Lý ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) - người từng tham gia dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn nhớ như in hình ảnh "cả nước ra trận” với một thời "chị gánh, anh thồ”. Bà hiện đang ở tổ 8, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bà chia sẻ: Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom, bão đạn của địch, từng đoàn dân công hỏa tuyến với xe thồ, quang gánh, ngựa thồ hay sử dụng bè mảng... vẫn vượt qua mọi gian khó, hy sinh mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận, đảm bảo cho chiến trường có đủ lương thực, chiến sỹ được ăn no, đánh to, thắng lớn.
Tổng kết chiến dịch đã ghi nhận: "chỉ bằng sức người và phương tiện vận tải thô sơ, lực lượng dân công đã cùng vận tải cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Thực dân Pháp khi bắt đầu sang xâm chiếm Việt Nam đã mang theo những chiếc xe đạp như một chỉ dấu của văn minh phương Tây. Song các tướng lĩnh Pháp cũng không thể ngờ rằng chiếc xe đạp họ đem sang Việt Nam làm phương tiện cá nhân đi lại có lúc được anh dân công "tay bùn, chân đất” hoán cải có thể chở tới hàng trăm kg lương thực, thuốc men, vũ khí, ngược dốc ra tiền tuyến phục vụ bộ đội chiến đấu và đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong chiến thắng này, những chiếc xe đạp thồ đã trở thành một trong những huyền thoại như một biểu tượng của tinh thần, ý chí con người Việt Nam. Thậm chí có người từng nói: Những chiếc xe đạp thồ đã đánh bại tướng Nava, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 70 năm.