Xe điện kém chất lượng: Đừng ham rẻ mà rước họa

Xuất phát từ nhu cầu đi lại, học tập lớn nhưng kinh tế còn eo hẹp nên nhiều gia đình đã tìm mua xe điện giá rẻ, bất chấp đó là hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Một số vụ chập cháy xuất phát từ xe điện kém chất lượng đã xảy ra, nhưng dường như chưa đủ để cảnh tỉnh người dân...

Người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin để mua được xe điện bảo đảm chất lượng.

Người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin để mua được xe điện bảo đảm chất lượng.

Nhan nhản xe kém chất lượng

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại một cửa hàng bán xe điện trên đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm), chủ cửa hàng cho biết, nhiều khách hàng ưa chuộng phân khúc giá rẻ: Xe máy điện dưới 10 triệu đồng; xe đạp điện dưới 5 triệu đồng. Để chiều lòng khách, chủ cửa hàng đưa mẫu cho khách lựa chọn rồi đi nhập hàng ở nơi khác về, hẹn khách ngày hôm sau quay lại lấy. Khi hỏi về giấy kiểm định chất lượng, chủ cửa hàng cho biết, xe phân khúc giá rẻ hầu như không có giấy kiểm định.

Tương tự, tại một cửa hàng xe điện trên phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), phóng viên ngỏ ý muốn mua một xe máy điện giá dưới 10 triệu đồng, chủ cửa hàng đã giới thiệu ngay mẫu xe có giá 7 triệu đồng. Xe nhìn mới, chạy êm, bảo hành khung, sườn, ắc quy từ 6 tháng đến 1 năm. Người bán cho biết thêm, mặc dù là xe đã qua sử dụng nhưng còn mới tới 90%, giá lại rẻ nên lượng khách đến mua khá nhiều. Cũng theo người bán hàng, xe mới dưới 10 triệu đồng cũng có, nhưng không phải hàng chính hãng nên nếu khách muốn mua thì phải đặt cọc trước để cửa hàng nhập về. Người này còn bật mí, nếu muốn mua xe rẻ thì tìm mua trên các hội nhóm, giá bao nhiêu cũng có.

Từ gợi ý này, phóng viên đã tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội. Quả nhiên, trên các nhóm mua bán xe, xe máy điện của Hãng Dibao có giá 7,5 đến 9 triệu đồng. Các xe thương hiệu Giant, Milan, Ninja… chỉ từ 1,5 đến 4 triệu đồng. Hầu hết các xe này được chế ắc quy mới, bảo hành dưới 3 tháng. Liên hệ với người bán qua số điện thoại 097737…, phóng viên được giới thiệu nhiều loại xe giá rẻ, giá chỉ 7 triệu đồng, trong khi giá xe mới chính hãng là từ 15 đến 20 triệu đồng.

Một mẫu xe đạp điện hút khách là SK8, song hình ảnh, giá bán lại mỗi nơi một khác. Chủ tài khoản Hnbike trên YouTube đăng quảng cáo xe có thương hiệu là GK Happy, bảo hành 12 tháng, giá bán 5 triệu đồng. Trong khi, trên các sàn thương mại điện tử, xe lại mang tên xe đạp điện Gicini SK8 (sàn Lazada); xe đạp điện Super SK8-450w (sàn Shopee)... Giá bán xe này tại các sàn cũng khác nhau, có chiếc 3,5 triệu đồng, có xe lại 6 triệu đồng...

Cần thận trọng khi chọn mua xe

Chia sẻ kinh nghiệm "đau thương" khi mua xe điện, anh Đặng Thanh Tùng (ở phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết, anh đã từng mua một chiếc xe đạp điện thương hiệu SK cho con, giá 4,5 triệu đồng. Mới sử dụng thời gian ngắn, xe chạy rất nhanh hết ắc quy. Sau nhiều lần phải “cứu hộ” cho con, anh Tùng đành phải thay ắc quy mới với giá gần 2 triệu đồng. “Lúc thay ắc quy, tôi mới biết ắc quy xe hỏng nhanh là do mua phải hàng trôi nổi. Hàng chính hãng thì không có giá như vậy và thời gian bảo hành rất dài, lên đến 36 tháng”, anh Tùng chia sẻ.

Về góc độ chuyên môn, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luyện kim, hiện đang công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua xe điện; cần tìm mua hàng chính hãng, có thương hiệu vì được sản xuất và kiểm định an toàn, chế độ hậu mãi tốt. Đặc biệt lưu ý đối với ắc quy xe điện, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Tùng cho hay, thông thường, ắc quy gồm 2 phần chính là các cell ghép vào để lưu trữ điện và phần điều khiển BMS nhằm kiểm soát hoạt động của ắc quy/pin và chống cháy nổ. Khi mua xe, người tiêu dùng cần kiểm tra ắc quy/pin xe có phải hàng chính hãng hay không, nếu ắc quy/pin tốt thì các cell và BMS đạt chất lượng, an toàn. "Người dùng cần đặc biệt lưu ý, sạc điện ắc quy/pin phải đúng theo chỉ dẫn ghi trên hướng dẫn sử dụng. Khi thấy hiện tượng nóng bất thường, lập tức ngừng sạc và mang xe đi kiểm tra. Trong quá trình sử dụng xe, người dùng nên tuyệt đối tránh va đập mạnh gây hỏng hóc các cell hoặc BMS", Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Tùng nhấn mạnh.

Mặc dù có nhiều cảnh báo về các loại xe điện kém chất lượng, một số vụ cháy xuất phát từ chập cháy ắc quy xe điện, nhưng thực tế vẫn còn người bán xe trôi nổi thì vẫn có người mua và ngược lại. Về công tác quản lý thị trường, thống kê của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 7 tháng năm 2024, đơn vị đã phát hiện 5 vụ vận chuyển, kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính 235 triệu đồng, thu giữ hàng hóa trị giá hơn 211 triệu đồng.

Được biết, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội hiện gặp nhiều khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Điều này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát đến việc phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, hải quan... Bên cạnh đó, biện pháp quan trọng không kém là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp để phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xe-dien-kem-chat-luong-dung-ham-re-ma-ruoc-hoa-673257.html