Xe điện liệu có an toàn hơn xe xăng?
Hiện nay, rất nhiều chủ sở hữu xe điện (EV) hay những khách hàng đang cân nhắc về một mẫu EV, không chỉ lo lắng về phạm vi hoạt động mà còn lo lắng về sự an toàn của xe điện.
Được cung cấp năng lượng bởi bộ pin dễ cháy và sở hữu hệ thống điện cao áp, thật dễ dàng để thấy những cỗ máy này có thể gây ra mối lo ngại như thế nào.
Tuy nhiên, trên thực tế, ô tô điện cũng an toàn như bất kỳ loại ô tô nào khác, nhờ một loạt các tính năng hiện đại nhằm bảo vệ người ngồi trong xe và những người tham gia giao thông khác.
Xe điện có an toàn khi gặp tai nạn?
Trước hết, điều quan trọng cần lưu ý là tất cả các xe ô tô điện đều được chế tạo để đáp ứng các quy định về thiết kế và sản xuất nghiêm ngặt giống như các xe chạy xăng và diesel. Về cơ bản, chúng trải qua cùng một quá trình kiểm tra cẩn thận, với khoảng thời gian dài để làm cho những chiếc xe này an toàn nhất có thể.
Và để chứng minh điều này, hầu hết các nhà sản xuất sau đó đều đưa các mẫu EV của họ vào hương trình đánh giá xe Euro NCAP (Chương trình đánh giá xe mới của châu Âu) và kết quả nhận được đều giống như các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong có hiệu suất cũng như kích thước tương tự.
Xe điện được thiết kế với cấu trúc chắc chắn, vùng co giãn rộng và nhiều túi khí đảm bảo rằng người ngồi trong xe được bảo vệ tốt nhất có thể trong trường hợp xảy ra tai nạn. Và trên thực tế, với trọng lượng lớn hơn của các bộ pin và nhu cầu hấp thụ thêm năng lượng khi va chạm, nên các nhà thiết kế EV tính toán kỹ hơn so với xe động cơ đốt trong để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.
Tuy nhiên, một vấn đề khác đáng quan tâm là lửa. Một vài năm trước, một loạt các vụ tai nạn xe điện dẫn đến việc ô tô bốc cháy đã khiến những người mua ô tô mới lo lắng hơn. Nhưng thực tế hỏa hoạn có nhiều khả năng xảy ra hơn trong một chiếc xe hơi đốt trong và đặc biệt là một chiếc xe chạy bằng chất dễ cháy như xăng.
Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, vấn đề tiềm ẩn lớn với bộ pin lithium-ion của EV là thứ được gọi là hiện tượng thoát nhiệt. Về cơ bản, nếu một trong các lõi pin bị hư hỏng và đoản mạch, chất điện phân dễ cháy bên trong có thể bốc cháy. Nếu nhiệt tăng lên này làm hỏng các phân tử lân cận, nó có thể gây ra một phản ứng dây chuyền mà hàng trăm hoặc hàng nghìn phân tử cũng bắt đầu cháy khiến ngọn lửa ngày càng khốc liệt mà không thể dập tắt và thay vào đó bạn phải đợi nó tự cháy hết.
Mặc dù, điều này nghe có vẻ đáng sợ nhưng nó lại cực kỳ khó xảy ra với thế hệ EV mới nhất được thiết kế để tránh tình trạng này. Đối với những mẫu xe này, pin được bảo vệ rất tốt trong một cấu trúc chống va chạm được gắn trong xe càng thấp càng tốt và càng xa các khu vực có khả năng va chạm.
Ví dụ, Polestar thậm chí đã phát triển hai cấu trúc nhôm có thể biến dạng ở hai bên vách ngăn phía trước của hai mẫu xe mới ra mắt gần đây. Được gọi là khối SPOC (va chạm bù trừ), những khối này ngăn bánh trước va chạm với pin khi va chạm trực diện.
Bản thân các phân tử riêng lẻ được bao quanh bởi các vật liệu thay đổi pha tiên tiến giúp hấp thụ nhiệt và giảm nguy cơ quá nhiệt của các tế bào lân cận.
Với hệ thống điện cao áp như vậy, xe điện cũng yêu cầu các biện pháp đặc biệt để đảm bảo người ngồi trong xe và các dịch vụ khẩn cấp không bị sốc sau tai nạn. Nhiều ô tô điện hoạt động ở mức 400V, trong khi Porsche là hãng đầu tiên đưa ra thiết lập 800V.
May mắn thay, xe điện có hệ thống an toàn tự động cô lập pin trong trường hợp xảy ra sự cố. Khi các cảm biến khác nhau của ô tô xác định một vụ va chạm đã xảy ra, các cầu chì pyro đặc biệt được bắn ra để cắt đứt cáp điện áp cao, ngắt toàn bộ nguồn điện một cách hiệu quả. Chuyên gia ô tô của Đức Bosch cũng đã phát triển một hệ thống truyền động một nêm nhỏ vào dây cáp khi túi khí được kích hoạt.
Tiếng động cơ của ô tô điện
Tất nhiên, không chỉ những người ngồi trong xe điện lo lắng về sự an toàn mà còn có rất nhiều người đi bộ và đi xe đạp cũng lo lắng. Vì thông thường, đều được khuyến cáo là hãy “dừng lại, nhìn và lắng nghe” khi băng qua đường để đảm bảo an toàn nhất.
Nhưng đối với xe điện thì người đi đường lại nhiều lúc khó phát hiện nó đang hoạt động hay không (đặc biệt là đối với người khiếm thị, khiếm thính) vì xe điện không phát ra tiếng ồn khi vận hành.
Điều này đặc biệt đúng ở các khu vực đô thị, nơi tốc độ không đủ cao để có thể nghe thấy tiếng lốp thông thường. Trên thực tế, nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 cho thấy rằng, xe điện có nguy cơ gây tai nạn với người đi bộ cao hơn 40%.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2019, các loại xe điện mới đã được yêu cầu phải trang bị bộ phát ra tiếng ồn điện tử. Hầu hết các xe ô tô đều có hai thiết bị, thường được gắn phía sau cản trước và cản sau, tạo ra âm thanh ở tần số tương tự như động cơ đốt trong với tốc độ tương tự./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/tu-van/xe-dien-lieu-co-an-toan-hon-xe-xang-855702.vov