Xe đưa đón học sinh cần thêm công nghệ để giảm sai sót do con người

Xe đưa đón học sinh tiểu học, trẻ mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe...

Ở góc độ các bậc phụ huynh, để hạn chế những sự cố trẻ nhỏ bị bỏ quên trên xe, ngoài siết chặt các quy định trách nhiệm cá nhân cụ thể, họ mong muốn quá trình đưa đón học sinh cần được công nghệ hóa tốt hơn, hạn chế sai sót mang yếu tố con người.

Khi nhận được thông tin về dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ đã dành riêng một Điều để nói về việc bắt buộc có người quản lý trên xe ô tô đưa đón trẻ em, anh Cao Xuân Lộc, một phụ huynh tại Hoàn Kiếm, Hà Nội rất ủng hộ.

Anh Lộc cho rằng, xe chở học sinh hiện nay được gom chung vào xe kinh doanh vận tải hành khách. Mặc dù đã có những quy định chung có liên quan xe đưa đón học sinh như: đơn vị kinh doanh vận tải phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải; phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình. Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe. Tuy nhiên, quy chuẩn riêng cho xe đưa đón học sinh thì chưa có.

Anh Nguyễn Việt Hòa (trú tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, dù nhiều đặc thù, nhưng hiện tại quy định xe chở học sinh không khác biệt so với xe kinh doanh...

Anh Nguyễn Việt Hòa (trú tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, dù nhiều đặc thù, nhưng hiện tại quy định xe chở học sinh không khác biệt so với xe kinh doanh...

“Thường xe chở học sinh, mình thấy hay chở thừa người, không chở khách người lớn bình thường. Date lại hơi sâu, nếu tài xế đi một mình thì rất dễ sơ suất, lơ đãng và quên. Nếu có người quản lý đi cùng trên xe thì sẽ hạn chế được điều này. Phải gán trách nhiệm cho một cô chuyên trách lâu dài 1 xe thì được, còn hôm cô này, mai cô kia thì dễ xảy ra sai sót”, anh Lộc nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Việt Hòa, trú tại Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có hai con nhỏ lớp 10 và lớp 5 đi học bằng xe buýt. Theo anh Hòa, xe đưa đón học sinh cần được trang bị các thiết bị chuyên dụng hơn so với các xe hợp đồng vận tải khách khác:

“Tôi chưa hiểu là trên xe đó có máy quét mã QR hay khuôn mặt, vân tay không. Nếu có thiết bị đó thì rất chuẩn với người ký hợp đồng và đang sử dụng dịch vụ đấy. Về xe đưa đón học sinh, thứ nhất, xe phải chất lượng, đời xe từ lúc sản xuất đến ký hợp đồng phải dưới 5 năm. Chứ nếu đời sâu quá thì không bảo đảm. Thứ hai, nhà trường cần mở lớp tập huấn giữa nhà trường với bên cung cấp dịch vụ. Có điều kiện hơn nữa thì mời chuyên gia giao thông có kỹ năng về hướng dẫn giao thông về”.

Là người có 2 năm lái xe đưa đón học sinh, anh Lê Văn Độ, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội phân tích: Thực ra quy định mới trong dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được nhiều trường học áp dụng từ lâu.

Kinh nghiệm của anh cho thấy, phần lớn trường coi trọng và có quy trình chặt chẽ đều cử nhân viên nhà trường chuyên trách đi theo xe đưa đón học sinh để kiểm đếm, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, học sinh.

“Tất cả xe như bây giờ từ trước đến nay xe to hay nhỏ chở ít hay nhiều học sinh đều có một cô đi theo, để đón và đưa học sinh về. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là bất cẩn của lái xe và trách nhiệm của cô đưa đón còn thiếu. Thời gian mình còn làm việc, trước khi lái xe về bãi, trước khi rời trường, cô và học sinh xuống hết, lái xe phải kiểm tra toàn bộ từ trước ra sau xem còn sót học sinh không. Xong rồi mới được lái xe rời trường rồi về bãi”, anh Lê Văn Độ cho biết.

Quy định, quy trình thì đã có, nhưng việc thực hiện lại phụ thuộc vào ý thức chấp hành của các cá nhân. Do đó, anh Lê Văn Độ cho rằng, cần áp dụng công nghệ tự động vào các quy trình để hạn chế những sai sót mang yếu tố con người.

Anh Lê Văn Độ (tài xế từng chở xe học sinh) phân tích, cần sử dụng yếu tố công nghệ như máy quét khuôn mặt hay camera 360 cảnh báo để nhà trường, phụ huynh cùng có thể yên tâm theo dõi, kiểm soát...

Anh Lê Văn Độ (tài xế từng chở xe học sinh) phân tích, cần sử dụng yếu tố công nghệ như máy quét khuôn mặt hay camera 360 cảnh báo để nhà trường, phụ huynh cùng có thể yên tâm theo dõi, kiểm soát...

“Như mình công nghệ bây giờ có rồi. Các xe nên có camera 360 ở trong xe, và mở 24/24. Các giáo viên trong trường có thể xem được camera đấy, để khi xe rời trường rồi thì có thể quan sát, kiểm tra xem còn học sinh hay không. Ngoài ra, nó còn kiểm tra xem, ngày hôm đấy lái xe bị ốm, bận nhờ người khác, thì người lái thay không quen, ít tiếp xúc lại nghĩ rằng cô giáo lo hết, dễ bị sót khi kiểm tra xe”.

Theo các ý kiến của phụ huynh, hầu hết xe vận tải khách đưa đón trẻ mầm non, học sinh đều không có ghế ngồi riêng cho trẻ em và dây an toàn. Loại xe này thường có tuổi đời cao, ít trang bị công nghệ hiện đại, thiếu tính năng cảnh báo cần thiết. Nguyên nhân chủ yếu bởi xe chở học sinh chưa có tiêu chuẩn riêng. Mỗi trường sẽ có cách tiếp cận khác nhau để tìm dịch vụ chuyên chở và xây quy trình riêng.

Do đó, các bậc làm cha làm mẹ chia sẻ quan điểm, cần chuẩn hóa xe đưa đón học sinh, có quy trình kiểm tra, giám sát chéo để hạn chế ảnh hưởng bởi một sai sót cá nhân nào đó nhưng cả hệ thống không thể nhận biết.

Chu Đức/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xe-dua-don-hoc-sinh-can-them-cong-nghe-de-giam-sai-sot-do-con-nguoi-post1099338.vov