Xe hatchback giảm sức hút với người dùng Việt
Phân khúc xe hatchback đã từng thống lĩnh thị trường xe Việt với doanh số cả năm lên đến hơn 45.000 xe. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, loại xe này dần giảm sức hút, kể cả với nhóm xe cỡ A và cỡ B.
Dòng xe hatchback từng được nhiều người Việt ưa chuộng bởi thiết kế nhỏ gọn, đa năng, phù hợp với môi trường đô thị.
Năm 2021, phân khúc hatchback hạng A từng rất sôi động với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm, trong đó VinFast Fadil là cái tên nổi bật khi bán chạy nhất thị trường xuyên suốt cả năm.
Sang năm 2022, VinFast Fadil và Honda Brio rút khỏi thị trường. Hiện tại, chỉ còn ba mẫu xe cạnh tranh, gồm: Hyundai Grand i10, Kia Morning và Toyota Wigo.
Doanh số cộng dồn của phân khúc này cũng lao dốc từ hơn 45.000 xe ở năm 2021, giảm 62% ở năm 2022 và tiếp tục giảm 35% ở năm 2023. Tính hết năm tháng đầu năm 2024, chỉ có 3.196 chiếc xe được bán ra thị trường.
Sức tiêu thụ của các dòng xe hatchback hạng A cũng chịu ảnh hưởng chung từ nền kinh tế suy thoái. Song, khó có thể phủ nhận rằng phân khúc này đã không còn sức hút lớn với người dùng Việt.
Phân khúc hatchback hạng B cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí, Toyota Yaris mới đây đã bị dừng bán, khiến "sân chơi" chỉ còn hai cái tên là Suzuki Swift và Mazda2.
Một trong những nguyên nhân chính khiến xe hatchback không được ưu ái tại Việt Nam là bởi sự chuyển dịch thị hiếu của người dùng. Không gian chứa đồ trên xe hatchback khi chở đủ người và có thể không rộng bằng các mẫu sedan cùng hạng.
Một số dòng xe trên thị trường cũng được phân phối song song kiểu dáng hatchback và sedan khi trang bị và động cơ không quá khác biệt. Tuy nhiên với một số trường hợp, xe hatchback lại có giá cao hơn sedan, khiến việc thuyết phục khách hàng càng trở nên khó khăn.
Thị hiếu của người dùng chuyển dần sang các mẫu xe gầm cao đa dụng giá rẻ, khiến cả phân khúc hatchback và sedan đều bị thất thế. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều mẫu mã khiến giá xe gầm cao cũng ngày càng cạnh tranh và người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn.