Xe hợp đồng trá hình Hà Lan ngang nhiên hoạt động giữa cao điểm

Giữa lúc lực lượng CSGT toàn quốc đồng loạt ra quân kiểm tra xe kinh doanh vận tải, xe hợp đồng trá hình của Công ty Hà Lan vẫn ngang nhiên hoành hành tại nhiều địa phương.

Xe hợp đồng của Công ty Hà Lan đón khách tại Thái Nguyên.

Xe hợp đồng của Công ty Hà Lan đón khách tại Thái Nguyên.

Ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách trên đường

Tối 22/8, sau khi đặt xe đi từ Hà Nội về Thái Nguyên qua số điện thoại hotline của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Công ty Hà Lan), chúng tôi được hướng dẫn đến văn phòng đại diện của nhà xe này tại số 48 Võ Chí Công, Hà Nội.

Theo lịch hẹn, đúng 5h45 ngày 23/8, PV có mặt tại địa chỉ trên và được xe tới đón ngay giữa lòng đường. PV là người cuối cùng lên xe và chiếc xe BKS 29B - 191.75 "độ" từ 16 chỗ thành 9 chỗ nhanh chóng di chuyển.

Tài xế xe hợp đồng của Công ty Hà Lan dừng xe giữa đường để thu tiền của từng khách đi xe.

Tài xế xe hợp đồng của Công ty Hà Lan dừng xe giữa đường để thu tiền của từng khách đi xe.

Theo quy định được niêm yết trên xe, tài xế phải đảm bảo hành trình di chuyển là 1giờ 40 phút (chưa kể thời gian phát sinh), tuy nhiên chỉ mất 1 giờ 2 phút, xe đã về tới văn phòng đại diện của Công ty Hà Lan số 236, đường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên.

Bất chấp phương tiện trên đường khá đông đúc, chiếc xe hợp đồng trá hình này vẫn lạng lách, đi vào vạch kẻ liền, vượt những xe đang lưu thông khác để lưu thông. Trước khi tới điểm tập kết, xe dừng trên đường, hành khách được yêu cầu trả tiền cho tài xế hoặc quét mã QR để chuyển khoản tới điện thoại di động của lái xe.

Mức giá cho chặng đường từ Hà Nội về TP Thái Nguyên là 140.000 đồng/người.

Hành khách quét mã QR, trả tiền vé đi xe hợp đồng của Công ty Hà Lan.

Hành khách quét mã QR, trả tiền vé đi xe hợp đồng của Công ty Hà Lan.

Sau khi trả khách tại văn phòng đại diện trên, xe tiếp tục di chuyển tới "bến cuối" là trụ sở chính của Công ty Hà Lan tại số 271 - 273, đường Dương Tự Minh, phường Tân Long, TP Thái Nguyên. Tại đây, hành khách và hàng hóa tiếp tục được trả hàng, xuống xe.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn phương thức hoạt động của loại xe hợp đồng trá hình này của Công ty Hà Lan, chúng tôi tiếp tục đặt vé di chuyển từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn.

Tài xế xe hợp đồng trá hình của Công ty Hà Lan không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện.

Tài xế xe hợp đồng trá hình của Công ty Hà Lan không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện.

Dù đang ở trụ sở chính, nhưng PV vẫn được các nhân viên tổng đài tại đây yêu cầu phải gọi qua số hotline của công ty để đặt xe với lý do cuộc gọi đặt chỗ đến tổng đài này chính là hợp đồng điện tử giữa hai bên. Ngoài việc gọi điện đặt chỗ, hành khách không cần ký bất kỳ một loại giấy tờ nào.

Sau khi đặt chỗ, chúng tôi được thông báo đúng 9h15 cùng ngày xe sẽ xuất phát. Tuy nhiên, phải đến gần 10h cùng ngày chiếc xe mới xuất bến với lý do chưa gom đủ khách.

Sau khi số lượng ghế được lấp đầy, chiếc xe ô tô BKS: 29B - 191.69, sử dụng phù hiệu xe hợp đồng đã đến đón PV tại văn phòng và di chuyển đến Bắc Kạn. Trong suốt quá trình di chuyển, tài xế điều khiển chiếc xe liên tục sử dụng điện thoại, không thắt dây an toàn và thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đè vạch...

Tài xế của Công ty Hà Lan ngang nhiên sử dụng điện thoại khi điều khiển xe trên đường.

Tài xế của Công ty Hà Lan ngang nhiên sử dụng điện thoại khi điều khiển xe trên đường.

Ngoài ra, mỗi khi đi qua chốt CSGT trên đường, tài xế lại gọi điện thông báo cho các tài xế khác biết với lời nhắn qua địa điểm có chốt kiểm tra, không được chạy quá tốc độ để đối phó với cơ quan công an.

Trưa cùng ngày, khi xe đến địa phận TP Bắc Kạn, tài xế dừng xe thu tiền của từng hành khách; liên tục dừng đỗ trên lòng đường tại các đoạn qua ngã ba Thác Giềng, cổng Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn... để trả khách. Tình trạng trên dẫn đến việc lộn xộn, mất ATGT nghiêm trọng.

Điểm di chuyển cuối của xe là trả khách tại văn phòng đại diện Công ty Hà Lan tại Bắc Kạn, ở đường Trường Trinh, tổ 8, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn. Sau gần 30 phút dừng đỗ tại đây, chiếc xe lại tiếp tục đón khách và hàng hóa di chuyển theo chiều từ TP Bắc Kạn về Thái Nguyên.

Trước đó, ngày 26/8, Báo Giao thông đã đăng tải bài viết: "Bắc Kạn: Xe trá hình lộng hành, hàng loạt nhà xe kêu cứu", phản ánh việc nhiều đơn vị vận tải, bến xe khách và Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần phản ánh, kêu cứu về việc bị xe hợp đồng trá hình của Công ty Hà Lan chèn ép. Thậm chí, tháng 6/2023, từ đơn thư phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này nhưng đến nay kết quả chưa cao, gây bức xúc dư luận.

Lập hàng chục "bến cóc" để hoạt động trá hình

Quá trình vào vai hành khách sử dụng dịch vụ của Công ty Hà Lan, chúng tôi ghi nhận tất cả các xe của Công ty đều được cấp phù hiệu xe hợp đồng nhưng thực tế các xe chỉ đi lại, đón trả khách tại các điểm cố định là các văn phòng đại diện của Công ty Hà Lan và các điểm ngoài văn phòng trên chặng đường di chuyển.

Không chỉ vận chuyển hành khách, nhiều hàng hóa cũng được Công ty Hà Lan nhận vận chuyển bằng các xe hợp đồng.

Không chỉ vận chuyển hành khách, nhiều hàng hóa cũng được Công ty Hà Lan nhận vận chuyển bằng các xe hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hà Lan tại Bắc Kạn, thừa nhận: Hiện công ty đang duy trì tuyến vận tải hành khách từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn. Tuyến đang duy trì 4 xe loại 9 chỗ ngồi và 4 xe loại 16 chỗ ngồi. Trong đó, loại 9 chỗ đang duy trì tần suất 1 tiếng/chuyến, giá vé là 140.000 đồng/người, lưu thông theo QL3 mới; xe 16 chỗ tần suất 2 tiếng/chuyến, di chuyển theo đường QL3 cũ, giá vé 80.000 đồng/người.

"Tuyến vận tải này của chúng tôi vận hành như tuyến cố định, được gọi là tuyến vận tải hành khách cố định của doanh nghiệp vì kể cả không có khách hay chỉ có một vài khách thì cứ đến giờ là xe vẫn chạy để còn kịp giờ đón khách về.

Lịch trình di chuyển cũng chỉ đi, lại giữa các văn phòng tại Bắc Kạn - Thái Nguyên và Hà Nội. Việc đón, trả khách ngang đường là do lái xe linh động, tạo điều kiện giúp hành khách bớt thời gian và chặng đường di chuyển", ông Hà nói.

Xe hợp đồng của Công ty Hà Lan dừng đỗ trả khách trên QL3, đoạn qua trước cửa trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh cắt từ clip)

Xe hợp đồng của Công ty Hà Lan dừng đỗ trả khách trên QL3, đoạn qua trước cửa trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh cắt từ clip)

Điều đáng nói, sau các chặng đường di chuyển trên, với lý do cần vé xe và hóa đơn giá trị gia tăng đối với khoản chi khi đi xe để thanh toán với cơ quan, PV đã nhiều lần liên hệ với bộ phận kế toán của Công ty Hà Lan để được cung cấp hóa đơn, nhưng đại diện bộ phận kế toán không cung cấp được.

Trao đổi với PV, bà An Thị Hồng Thanh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hà Lan tại Thái Nguyên, phụ trách kinh doanh xe hợp đồng của Công ty Hà Lan cũng khẳng định: Công ty Hà Lan đang duy trì 21 văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh tại Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hà Nội.

Hằng ngày, hành khách sẽ được đưa đón bằng xe hợp đồng, được đi lại giữa các điểm kinh doanh trên theo nhu cầu di chuyển. Ngoài ra, khách có nhu cầu lên xe hoặc đi đến nơi ngoài điểm kinh doanh trên sẽ được dừng đỗ ngang đường hoặc đơn vị có xe taxi đưa đón, hỗ trợ trong phạm vi gần.

Clip ghi nhận xe hợp đồng trá hình của Công ty Hà Lan hoành hành trên các tuyến đường.

Bà Thanh cũng cho rằng, việc xe hợp đồng của công ty vận chuyển khách có lịch trình di chuyển cố định hằng ngày, trùng lặp nhau trên cùng đường đi và điểm đến; đón, trả khách dọc đường là bình thường. Điều này nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, không vi phạm các quy định hiện hành, nhất là quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình xe hợp đồng.

Trước thông tin Báo Giao thông phản ánh về lịch trình và phương thức hoạt động xe hợp đồng của Công ty Hà Lan, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn Khẳng định: Qua phản ánh trên, loại hình vận tải bằng xe hợp đồng của Công ty Hà Lan đang có dấu hiệu vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải.

Theo quy định hiện hành, xe hợp đồng không được đón, trả khách cùng một điểm trùng nhau quá 30% trong một tháng; phải có hợp đồng do đại diện hành khách và doanh nghiệp ký kết, thể hiện rõ điểm đi, điểm đến, chặng đường di chuyển và thu tiền chọn gói cho cả lịch trình mà không phụ thuộc vào số người có trên xe.

Quy định cũng nghiêm cấm việc gọi điện đặt chỗ, tổ chức đón khách và thu tiền từng người đi xe như phản ánh.

Lãnh đạo các Sở GTVT và đại diện lãnh đạo Phòng CSGT Công an các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn cũng khẳng định đã nhiều lần nhận được phản ánh về hoạt động xe hợp đồng trá hình của Công ty Hà Lan, các đơn vị sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm.

Được biết, hiện Công ty Hà Lan được Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cấp 74 phù hiệu xe hợp đồng.

Trong những ngày qua, nhằm làm rõ vi phạm và phương thức hoạt động của các xe trá hình đã ghi nhận, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên hệ với Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên đề nghị cung cấp dữ liệu giám sát hành trình. Trong đó, đề nghị làm rõ lịch trình di chuyển, hình ảnh camera giám sát trên xe và hợp đồng vận chuyển khách do các xe truyền về Sở theo quy định.

Hiện, Sở GTVT Thái Nguyên đang kiểm tra, xử lý theo quy định.

Bắc Kạn: Xe trá hình lộng hành, hàng loạt nhà xe kêu cứu

https://atgt.baogiaothong.vn/bac-kan-xe-...

Nhóm PV Thường trú

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/xe-hop-dong-tra-hinh-ha-lan-ngang-nhien-hoat-dong-giua-cao-diem-192230830061352479.htm