Xe 'ké' lộng hành
Xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải nhưng vẫn khó dẹp
"Ngày 2-2, xe 7 chỗ Huế đi Đà Nẵng lúc 4 giờ 30 phút - 5 giờ. Liên hệ số điện thoại 0935.46...". Đó là nội dùng một chủ xe "ké" Doan Nguyen đăng tải trong tối 1-2 trên nhóm Xe đi ké Huế - Đà Nẵng để mời chào khách. Cũng trong nhóm này, hàng loạt chủ xe "ké" đăng tải nội dung tương tự. Đây là loại hình dịch vụ vận tải hành khách trá hình, hoạt động rầm rộ trong nhiều năm qua ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.
Hơn 300 xe hoạt động rầm rộ
Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng xe "ké" tuyến Huế - Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện. Lúc đầu, chỉ có một số xe hoạt động nhưng do ăn nên làm ra nên nhiều người mua xe tham gia "đội quân" này rất lớn.
Truy cập vào trang nhóm Xe ké miền Trung, trong vai hành khách, chúng tôi liên hệ số điện thoại 0788.75xxxx của một người chạy xe "ké" đi Đà Nẵng.Đến giờ hẹn, chiếc xe 7 chỗ BKS 75A… đã đợi sẵn trên đường Hoàng Thị Loan (TP Huế). Lúc này, trên xe có 3 khách. Mỗi hành khách từ Huế vào Đà Nẵng, nhà xe thu 120.000 đồng. Vừa bước lên xe, tôi được tài xế "bỏ nhỏ": "Gặp CSGT, thanh tra giao thông (TTGT), anh cứ nói là xe người nhà chở đi ăn cưới". Tại TP Đà Nẵng, dịch vụ xe "ké" cũng hoạt động thường xuyên ở tuyến Đà Nẵng - Huế. Khách có nhu cầu đi "ké" chỉ cần vào nhóm riêng tư "Xe đi ké Đà Nẵng - Huế" để lấy số điện thoại của tài xế hoặc đăng tin tìm xe sẽ dễ dàng "book" được chuyến. Sau khi thống nhất giờ đi và địa điểm, tài xế sẽ đón tại địa điểm khách yêu cầu trong các khu vực nội thành Đà Nẵng và trả tận địa điểm khách yêu cầu tại TP Huế. Để qua mắt lực lượng chức năng, tài xế xe "ké" chọn đường qua đèo Hải Vân mà không đi đường hầm vì khu vực này thường xuyên có chốt CSGT kiểm tra.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong những ngày đầu năm ra quân, đơn vị đã phát hiện 323 phương tiện nghi vấn hoạt động xe trá hình, xe "ké". Trong đó, riêng tuyến Huế - Đà Nẵng có khoảng 200 phương tiện hoạt động. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty CP Xe khách Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng mỗi ngày có hơn 80 xe hoạt động, hằng năm đóng cho ngân sách nhà nước hơn 10 tỉ đồng. Trong khi dịch vụ xe "ké" thì chẳng mất khoản chi phí nào hoặc quá ít.
Loại hình dịch vụ vận tải hành khách trái phép này cạnh tranh không lành mạnh với xe truyền thống, gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị vận tải. Lượng khách đi lại trên tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng giảm 60%-70%" - ông Long bức xúc.
Khó dẹp do tiện lợi?
Trong những ngày đầu năm 2021, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lập biên bản xử phạt 16 trường hợp với số tiền gần 120 triệu đồng, tước 28 giấy phép lái xe. Các lỗi vi phạm chủ yếu là xe chở khách không có phù hiệu, phù hiệu đã hết hạn sử dụng, vận chuyển khách theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển...
Nhiều hành khách khi được hỏi đều nói rằng đi xe "ké" rất tiện lợi bởi giờ nào cũng có, xe chất lượng, giá rẻ và đón tận nơi, trả tận nhà. "Đi xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng giá 70.000 đồng/người/lượt nhưng thường xuyên dừng đón trả khách và phải mất thêm khoản tiền thuê xe từ nhà đến bến xe rất bất tiện. Chất lượng xe buýt dù nâng lên nhưng không thể so được với xe "ké", những ngày cao điểm còn bị nhồi nhét" - một hành khách nhận xét. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Đà Nẵng, cho biết loại hình xe "ké" tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại đã tồn tại từ năm 2014 đến nay và chưa thể xử lý dứt điểm. Việc chứng minh vi phạm của các xe "ké" không hề đơn giản vì đa số chủ xe đều gia nhập các HTX vận tải, được cấp phù hiệu vận tải theo quy định để đối phó lực lượng chức năng. Vì vậy, để xử lý các xe này, lực lượng chức năng phải chứng minh được các chủ xe hoạt động giống tuyến cố định như bán vé lẻ, gom khách lẻ, 1 tháng có hơn 30% chuyến có điểm đầu và điểm cuối giống nhau... Vừa qua, ngành giao thông TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với ngành giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế và thống nhất một số biện pháp để ngăn chặn và xử lý tình trạng xe "ké". Hiện các tổ liên ngành gồm CSGT, Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng tổ chức chốt trực thường xuyên ở khu vực đường dẫn vào hầm Hải Vân để tăng cường kiểm tra tình trạng xe "ké". Theo ông Cường, 2 địa phương đã thống nhất sẽ tiếp tục xử phạt nặng, đồng thời nâng chất lượng tuyến xe buýt để hành khách lựa chọn đi xe buýt thay vì đi xe "ké". Bên cạnh đó, đối với hành khách, việc đi xe "ké" liên tục bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt sẽ khiến dân dần không lựa chọn loại hình này.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay thời gian gần đây, các lực lượng kiểm tra liên ngành trên địa bàn vẫn thường xuyên ra quân, chốt chặn để kiểm tra, xử lý tình trạng xe "ké". Mức phạt cao nhất đối với các trường hợp vi phạm có thể lên đến 13 triệu đồng. Thời gian đầu ra quân, nhiều tài xế tìm mọi cách để qua mắt nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý. "Gần đây, tình trạng xe "ké" giảm đáng kể, nhất là trong dịp Tết này" - ông Nghĩa thông tin.
Nguy cơ lây lan dịch Covid-19
Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định loại hình xe "ké" tiềm ẩn rất lớn mối lây lan dịch Covid-19 do các phương tiện này không được giám sát, không có camera hành trình, không đăng ký với cơ quan chức năng. Đoàn liên ngành gồm lực lượng Công an, TTGT, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện đợt 2 từ nay đến ngày 26-2 nhằm kiểm tra xử lý xe dù, xe "ké" hoạt động trá hình, đặc biệt là tuyến Huế - Đà Nẵng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xe-ke-long-hanh-20210202222824206.htm