Xe không chính chủ và hệ lụy pháp lý

Mấy ngày gần đây, trong dư luận và trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin về việc xe không chính chủ sẽ bị xử phạt. Đây là hệ lụy pháp lý của việc sử dụng xe không chính chủ và việc bị xử phạt đối với những trường hợp này từ ngày 1-1-2022 là đúng. Tuy nhiên, thông tin lan truyền trong dư luận và trên các trang mạng lại không nêu rõ thế nào là xe không chính chủ và việc sử dụng xe không chính chủ trong trường hợp nào thì bị xử phạt? Vì vậy, bài viết này không ngoài mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chế tài này để tránh bị phạt oan.

Thế nào là xe không chính chủ?

Ngày 16-6-2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, tại khoản 4 Điều 6 có quy định về trách nhiệm của chủ xe như sau: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.

Sử dụng xe không chính chủ chỉ bị xử phạt khi gây tai nạn giao thông và trong quá trình làm đăng ký xe. Trong ảnh: Một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Đồng Xoài - Ảnh: Minh Luận

Cũng trong thông tư này, tại khoản 3 Điều 26 có quy định đối với: Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định tại thông tư này đến hết ngày 31-12-2021. Cụ thể, đối với trường hợp người đang sử dụng xe có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý hồ sơ xe giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ôtô sang tên trong cùng tỉnh và môtô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Trường hợp người đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe: Cơ quan quản lý hồ sơ xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày; gửi thông báo cho người đứng tên trong đăng ký xe, niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và tại trụ sở cơ quan; tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ sang tên. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ôtô sang tên trong cùng tỉnh và môtô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Như vậy, từ ngày 1-1-2022 nếu người sử dụng phương tiện không thực hiện sang tên xe thì khi sử dụng xe sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, cần hiểu trường hợp nào phải thực hiện sang tên xe? Và thế nào là xe không chính chủ? Theo đó, xe không chính chủ là xe chưa thực hiện sang tên xe đúng quy định trong các trường hợp mua bán, tặng cho, thừa kế, điều chuyển, phân bổ… Nói một cách đơn giản là người sử dụng xe của mình do mua lại của người khác, nhưng chưa thực hiện sang tên đổi chủ thì gọi là xe không chính chủ. Còn đối với sử dụng xe không chính chủ nhưng do mượn xe của người thân, bạn bè để di chuyển trong khoảng thời gian nào đó thì không gọi là sử dụng xe không chính chủ, nên không vi phạm và không bị xử phạt.

Hệ lụy pháp lý khi sử dụng xe không chính chủ

Đối với trường hợp sử dụng xe không chính chủ, người điều khiển xe chỉ bị xử phạt trong 2 trường hợp như sau: Thứ nhất là thông qua việc cơ quan chức năng thực hiện công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông. Thứ hai là qua công tác đăng ký xe của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, khi tham gia giao thông mà gây tai nạn và chiếc xe đó không chính chủ thì người điều khiển phương tiện sẽ phải gánh thêm hệ lụy từ lỗi sử dụng xe không chính chủ. Trường hợp thứ 2 là trong quá trình thực hiện việc đăng ký xe, cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán, tặng cho đã diễn ra trước ngày 1-1-2022, thì người đăng ký sử dụng sẽ bị phạt. Vì Thông tư số 58/2020/TT-BCA đã được ban hành từ ngày 16-6-2020.

Mức xử phạt với hành vi không thực hiện sang tên xe theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là: Phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô thực hiện một trong các hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình) theo quy định khi mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô.

Và mức phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô.

Luật gia Như Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/129755/xe-khong-chinh-chu-va-he-luy-phap-ly