Xe máy luôn bật đèn khi ra đường - dễ quan sát, giảm tai nạn

Bộ GTVT công bố dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi với thời gian lấy ý kiến kéo dài đến 21/6. Trong đó đáng chú ý là đề xuất xe máy phải bật đèn 24/24 khi ra đường.

Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật giao thông sửa đổi quy định: "Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất".

 Đề xuất bật đèn xe máy cả ngày có phù hợp tại Việt Nam? Ảnh minh họa: Hồng Quang

Đề xuất bật đèn xe máy cả ngày có phù hợp tại Việt Nam? Ảnh minh họa: Hồng Quang

Trên thực tế, quy định này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm các quốc gia châu Âu, châu Mỹ hay cả Thái Lan, quốc gia láng giềng trong khối ASEAN. Tuy nhiên, liệu đề xuất xe máy phải bật đèn mọi lúc khi tham gia giao thông có khả thi và phù hợp với Việt Nam?

Anh Phạm Minh (Tây Hồ, Hà Nội):

Trên thực tế quy định này đã áp dụng tại các nước Đông Nam Á. Bật đèn chiếu sáng ban ngày rõ ràng có hiệu quả trong việc hạn chế va chạm giao thông do quan sát kém.

Tuy nhiên, việc bắt buộc sử dụng đèn chiếu sáng 24/24 cũng gây nhiều phiền toái cho người sử dụng xe, ví dụ như độ bền của đèn, nhiệt lượng đèn, chói mắt trong một số trường hợp... Đây cũng là cơ sở của nhiều ý kiến phản đối đề xuất.

Theo tôi, tham gia giao thông với ý thức tốt, chịu khó quan sát và sử dụng đèn đúng cách giúp các phương tiện khác dễ nhận diện sẽ giúp giao thông trên đường trở nên an toàn và văn minh hơn.

Anh Nguyễn Huy Công (Đống Đa, Hà Nội):

Theo tôi, việc bật đèn 24/24 là cần thiết. Đặc biệt trong các trường hợp đi đường đồi núi, tại các góc khuất hay đi trong ngõ, ánh đèn xe giúp người lái phát hiện phương tiện sớm hơn. Bên cạnh đó, với những chiếc xe đạp, xe máy điện không có tiếng máy nổ khi chạy, bật đèn sẽ là giải pháp báo hiệu xe tới hiệu quả.

Tuy nhiên, cần triển khai có lộ trình, dần thay thế các xe cũ bằng xe sử dụng loại đèn phù hợp cho việc bật cả ngày và loại bỏ công tắc bật/tắt đèn. Từ đó, hình thành thói quen cho người dân. Hiện tại, còn nhiều xe sử dụng đèn halogen, tỏa nhiệt nhiều và độ bền, độ an toàn có thể bị ảnh hưởng nếu bật liên tục.

Anh Nguyễn Thúc Hoàng Linh (chuyên gia ôtô xe máy):

Việc bật đèn tín hiệu là điều hợp lý, và đã được nhiều nước áp dụng để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trong các tình huống thời tiết bất lợi. Loại đèn này có thể là đèn lăng téc, đèn LED chuyên dụng hoặc thậm chí là đèn cốt (đèn chiếu sáng gần). Và những loại đèn này đều đã sẵn sàng trên các dòng xe thương mại có mặt trên thị trường hiện nay.

Do đó, về mặt kỹ thuật, không có trở ngại nào đối với việc áp dụng. Tuy nhiên, để thói quen này hình thành trong đại bộ phận người dân sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được thực hiện sâu rộng.

Một số quan điểm cho rằng việc bật đèn lâu dưới trời nắng có thể gây cháy nổ, tôi cho rằng điều này không có căn cứ. Theo tôi xe đảm bảo đủ điều kiện tham gia giao thông phải đáp ứng được điều này, và việc bật đèn trong nhiều điều kiện khác nhau đã được các nhà sản xuất tính toán sẵn.

Tuy nhiên, về phía người điều khiển phương tiện, việc nhiều xe đặc biệt là xe máy và xe tải sử dụng trong kinh doanh hiện nay chưa đáp ứng đúng các tiêu chuẩn về ánh sáng. Các loại xe này còn lắp đèn độ, chế nhiều, có thể sẽ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, đây là điều cần xử lý triệt để trước khi đưa các quy định mới vào triển khai.

Ông Phạm Thành Lê – (quản trị viên diễn đàn OtoFun):

Quy định về việc môtô, xe máy, xe đạp điện và xe máy điện bật đèn chiếu sáng 24/24 theo tôi là cần thiết. Đèn chiếu sáng ban ngày trang bị trên xe ở những nước như Việt Nam không nhằm mục đích giúp người lái xe quan sát đường rõ hơn mà nhằm giúp những người điều khiển phương tiện khác đang tham gia giao thông có thể nhận biết chiếc xe sớm hơn.

Tại sao không quy định điều này đối với xe đạp, vì người sử dụng các phương tiện này cũng có nguy cơ gặp tai nạn như các phương tiện hai bánh khác. Quy định này cũng không nêu rõ quy chuẩn về đèn thế nào để đảm bảo người lái ôtô có thể nhận biết dễ dàng các phương tiện hai bánh đang tham giao thông.

Thêm vào đó, khi đưa ra luật cũng cần tính đến việc làm thế nào để người tham gia giao thông có thể dễ dàng thực hiện cũng như lực lượng chức năng có thể dễ dàng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện.

Từ những thiếu sót nêu trên, tôi đề nghị thay vì đưa vào luật bắt buộc thì nên đưa ra một lộ trình khoảng 12-24 tháng. Giai đoạn đầu tiên tuyên truyền để người tham gia giao thông nhận thức rõ ích lợi của việc bật đèn sáng ban ngày. Cùng lúc đó đặt ra tiêu chuẩn về đèn chiếu sáng ban ngày cho các phương tiện tham gia giao thông, từ ôtô, xe máy đến xe đạp. Đồng thời đặt ra lộ trình và yêu cầu các nhà sản xuất, phân phối ôtô, xe máy, xe điện phải trang bị tính năng bật đèn ban ngày tự động khi đưa xe ra bán.

Ông Lê Anh (HLV lái xe toàn cầu):

 "Tại các Quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, xe máy hoặc ôtô khi khởi động thì đèn luôn bật sẵn".

"Tại các Quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, xe máy hoặc ôtô khi khởi động thì đèn luôn bật sẵn".

Theo tôi đề xuất xe máy phải bật đèn mọi lúc khi tham gia giao thông là cần thiết.

Như tại TP.HCM hoặc các tỉnh phía Nam thường có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, việc xe máy phải bật đèn vào ban ngày cũng không quá quan trọng. Tuy nhiên ở các tỉnh phía Bắc thường có mùa lạnh, hoặc các tỉnh thành miền núi có sương mù như Đà Lạt thì việc bật đèn mọi lúc khi tham gia giao thông là thiết thực.

Việc này không quá mới trên thế giới bởi nó đã được áp dụng từ lâu tại các Quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, xe máy hoặc ôtô khi khởi động thì đèn luôn bật sẵn.

Người dùng cũng không cần quá lo lắng về việc đèn xe mau hư khi bật suốt, vì nhà sản xuất đã tính toán và đảm bảo tuổi thọ của đèn xe.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng (quản trị viên cộng đồng OTO+):

Trước kia, các mẫu xe máy nhập khẩu từ châu Âu đều không có công tắc bật/tắt đèn, đèn chiếu sáng của xe mặc định bật khi nổ máy. Đó là quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Vài năm trở lại đây, các quốc gia thuộc ASEAN như Thái Lan hay Philippines cũng đã áp dụng quy định xe luôn bật đèn khi chạy trên đường.

Theo tôi, đây là kết quả từ những công trình nghiên cứu khoa học nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng đã tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi đề xuất áp dụng quy định này.

Nếu sử dụng đèn đúng cách, đúng chuẩn, việc bật đèn 24/24 khi tham gia giao thông sẽ giúp các phương tiện phát hiện ra nhau dễ dàng và sớm hơn, từ đó giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, thói quen bật đèn chiếu xa (đèn pha) khi tham gia giao thông trong phố hoặc các khu đông dân cư còn diễn ra phổ biến, gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Nếu ngay lập tức áp dụng quy định bật đèn xe cả ngày khi chưa xử lý quyết liệt tình trạng trên, nhiều khả năng tai nạn giao thông sẽ còn gia tăng chứ không giảm đi.

Quy định bật đèn xe cả ngày sẽ được hưởng ứng và trở thành thói quen nếu chứng minh được tính hiệu quả và mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Vỹ Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xe-may-luon-bat-den-khi-ra-duong-de-quan-sat-giam-tai-nan-post1083228.html