Xe máy rẽ phải khi gặp đèn đỏ được không?

Có 5 trường hợp xe máy được rẽ phải khi gặp đèn đỏ; ngoài 5 trường hợp này mà rẽ phải khi gặp đèn đỏ có thể sẽ bị xử phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đã tăng mức phạt lên cao đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ). Do đó, các quy định về đèn tín hiệu được nhiều bạn đọc quan tâm.

Một số bạn đọc đặt câu hỏi tại các nút giao, xe máy rẽ phải khi gặp đèn đỏ có vi phạm hay không?

 Một số trường hợp xe máy được rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Một số trường hợp xe máy được rẽ phải khi gặp đèn đỏ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định hiện hành, có 5 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ.

1. Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Cùng với đó, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ cũng nêu rõ, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành loại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đầu tiên.

2. Có biển báo phụ cho rẽ phải.

Biển báo phụ cho phép rẽ phải thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu. Khi gặp biển báo này người tham gia giao thông hoàn toàn có quyền rẽ phải.

Lưu ý, lúc này phải bật đèn xi nhan và nhường đường cho người đi bộ.

3. Có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp kèm theo.

Đây là đèn tín hiệu phụ, được lắp cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường. Có mũi tên màu xanh (được phép rẽ) hoặc màu đỏ (không được phép rẽ).

Khi đèn tín hiệu mũi tên chuyển xanh, người điều khiển phương tiện sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng vẫn phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi.

4. Có vạch mắt võng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT, vạch kẻ mắt võng có màu vàng, đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường.

Vạch này sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Trong khu vực vạch này mà có kèm mũi tên rẽ phải, các phương tiện bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.

5. Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

Nếu có tiểu đảo phân luồng, người điều khiển phương tiện được phép rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

Lưu ý: Phải bật xi nhan khi rẽ và nhường cho người đi bộ trong trường hợp rẽ phải khi đèn đỏ.

Như vậy, ngoài 5 trường hợp trên, nếu người điều khiển xe máy rẽ phải khi gặp đèn đỏ có thể sẽ bị xử phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 168/2024, mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) của xe máy và cả xe ô tô tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây.

Cụ thể, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng) gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10-14 triệu đồng.

Ngoài ra, khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024 quy định vượt đèn đỏ xe máy còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe, trường hợp gây tai nạn thì bị trừ 10 điểm.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/xe-may-re-phai-khi-gap-den-do-duoc-khong-post828690.html