Xe nhập khẩu Trung Quốc về Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước Đông Nam Á

Trong 3 thị trường châu Á cung cấp ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất là Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng trong thời gian gần đây, làn sóng Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, gây áp lực không nhỏ với Thái Lan.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế đến hết tháng 10, về thị trường, Indonesia dẫn đầu về lượng xe mà Việt Nam nhập khẩu. Quốc gia Đông Nam Á này cung cấp cho Việt Nam 57.693 xe, tổng kim ngạch gần 844 triệu USD. Những mẫu xe nhập khẩu Indonesia về Việt Nam có thể kể đến như Mitsubishi Xpander, Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross… Sắp tới mẫu Omoda C5 nhập từ quốc gia này và Malaysia cũng sẽ bán tại Việt Nam.

Thái Lan đứng thứ hai về lượng nhưng lại dẫn đầu về kim ngạch với kết quả 54.481 xe được đưa về Việt Nam và đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Nhóm xe nhập Thái có thể kể tới như Ford Everest, Ford Ranger các phiên bản Stormtrak và Raptor, Toyota Corolla Cross, Honda CR-V e:HEV RS…

Trong khi đó, thị trường lớn thứ ba là Trung Quốc có xe nhập khẩu về Việt Nam trong 10 tháng qua đã có doanh số tới 24.613 xe và đạt kim ngạch gần 733 triệu USD, tương đương chiếm đến 17% tổng số lượng và 24% tổng giá trị nhập khẩu ô tô về Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2023, xe nhập Trung Quốc chỉ đạt 8.495 xe, kim ngạch gần 319 triệu USD.

Giá trị nhập khẩu ô tô Trung Quốc hiện đã bằng 69% giá trị xe nhập khẩu từ Thái Lan. Trong ảnh là lô xe Omoda C5 vừa mới cập cảng Hải Phòng ngày 19/11 vừa qua. Ảnh: O&J.

Giá trị nhập khẩu ô tô Trung Quốc hiện đã bằng 69% giá trị xe nhập khẩu từ Thái Lan. Trong ảnh là lô xe Omoda C5 vừa mới cập cảng Hải Phòng ngày 19/11 vừa qua. Ảnh: O&J.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong tháng 10/2024, lượng ô tô nhập khẩu Trung Quốc là 2.617 xe, trị giá 78,6 triệu USD. So với tháng 9 liền trước đó (nhập khẩu 2.348 chiếc, kim ngạch 73 triệu USD), lượng xe Trung Quốc tháng 10 nhập khẩu tăng 11% về lượng.

Hiện tại Việt Nam làn sóng xe Trung Quốc đang tràn vào mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay. Những cái thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam có thể nhắc tới như MG, Hồng Kỳ, Beijing, Haval, Lynk & Co, Haima, Wuling, Chery, BYD, GAC, GWM, Aion, Omoda & Jaecoo, Dongfeng, Geely.

Các thương hiệu xe Trung Quốc trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn khi Mỹ, châu Âu, Canada đang áp thuế rất cao dẫn đến sự tắc nghẽn trong xuất khẩu. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tạm thời áp dụng bổ sung thuế quan dao động từ 17-38% lên ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7. Tổng thuế mà EU áp dụng cho ô tô điện Trung Quốc sẽ tăng lên tới 48%. Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ áp thuế 40% đối với ô tô nhập khẩu từ quốc gia tỷ lệ dân này. Vì vậy, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm đến thu hút nhiều hãng xe Trung Quốc. Tuy nhiên, trong làn sóng xe Trung tràn vào Việt Nam lần này, các thương hiệu Trung Quốc dường như cũng đã phần nào cho thấy “thiện chí” bán hàng nghiêm túc, bài bản hơn so với những lần trước khi một số hãng thay vì chỉ nhập khẩu bán xe thì đã lựa chọn phương xây dựng nhà máy để sản xuất và lắp ráp trong nước để giảm giá thành cạnh tranh với các đối thủ Nhật, Hàn đã tồn tại lâu đời tại thị trường Việt.

Thực tế, các hãng xe đến từ Trung Quốc đang phải chịu áp lực về thuế nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam. Tùy theo mẫu mã, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%. Trong khi các đối thủ đến từ các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan đang được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.

Người tiêu dùng Việt Nam đang có rất nhiều lựa chọn về các mẫu xe ô tô với nhiều tầm giá khác nhau.

Người tiêu dùng Việt Nam đang có rất nhiều lựa chọn về các mẫu xe ô tô với nhiều tầm giá khác nhau.

So với những lần trước, lần này khi tràn vào Việt Nam, xe Trung Quốc không còn định vị ở phân khúc “giá rẻ” thường thấy như những lần trước mà đa dạng giá bán hơn rất nhiều và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, thiết kế trẻ trung, tích hợp nhiều tính năng công nghệ tiên tiến hơn. Những nỗ lực này của các hãng xe Trung Quốc nhằm phần nào thay đổi định kiến về xe Trung Quốc.

Sự xuất hiện cùng một lúc nhiều đối thủ đến từ Trung Quốc nếu nhìn nhận một cách công bằng đã đem lại những tác động tích cực tới bối cảnh chung của toàn thị trường. Người tiêu dùng trong nước đang có rất nhiều lựa chọn và đa dạng về tầm giá.

Năm 2024 cũng là năm khá đặc biệt khi ô tô nhập khẩu liên tục có một giai đoạn giữa năm vượt mặt xe lắp ráp vì nhiều nguyên nhân. Nhưng khi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ đầu tháng 9, xe lắp ráp trong nước đã vươn lên giành lại vị trí dẫn đầu.

Với mảng xe nhập khẩu, việc xe Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh bên cạnh việc đặt ra những thách thức cho các dòng xe nhập từ các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á đang được ưu đãi thuế quan, còn đặt ra những thách thức cho các dòng xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Đánh giá về làn sóng xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam với sản lượng và kim ngạch ngày càng tăng cao dù mức thuế nhập khẩu với xe Trung Quốc khá cao, có thể thấy rằng các thương hiệu xe Trung Quốc có thể sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện tại Việt Nam thời gian tới khi gặp khó ở nhiều thị trường khác trên thế giới. Nhưng để tạo dựng được một vị trí vững chắc tại thị trường Việt Nam lâu dài, bài toán cốt lõi vẫn là sự nghiêm túc trong đầu tư, hậu mãi và đặc biệt với mảng xe điện Trung Quốc thì việc giải quyết bài toán trạm sạc tại thị trường Việt cũng cần có lời giải thay vì các hãng xe Trung chỉ bán xe.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xe-nhap-khau-trung-quoc-ve-viet-nam-thu-hep-khoang-cach-voi-cac-nuoc-dong-nam-a.htm