'Xẻ núi' làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm ở Sìn Hồ

Với ý chí vượt khó, nông dân, HTX ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đang có nhiều cách làm hay, độc đáo, từ đó mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, mở hướng thoát nghèo, làm giàu.

Đến huyện Sìn Hồ, những năm trở lại đây, không khó để tìm thấy những câu chuyện về tấm gương người nông dân vượt khó. Từ chăn nuôi gia súc, cá lồng, đến trồng cây ăn quả, dược liệu... các mô hình đều phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao, góp phần xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp.

“Hái tiền” từ cây ăn trái

Sà Dề Phìn là xã thuần nông của huyện Sìn Hồ, sản xuất nông nghiệp trước đây còn mang nặng tính tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, người dân chưa biết đưa những loại cây, con giống có giá trị, năng suất chất lượng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả.

Để từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, huyện Sìn Hồ đã tận dụng tối đa các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của các cấp, ngành cho sản xuất nông nghiệp. Dự án phát triển cây ăn quả ôn đới là một điển hình mà huyện đang thực hiện, mở ra cơ hội thoát nghèo cho hàng chục hộ dân.

Cây ăn quả đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân Sìn Hồ.

Cây ăn quả đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân Sìn Hồ.

Như gia đình ông Sùng Chìa Di ở bản Sà Dề Phìn, được hỗ trợ 500 cây đào và 40 cây lê để trồng trên diện tích đất của gia đình. Sau khi được hỗ trợ cây giống, ông còn được các cán bộ nông nghiệp xã, huyện hướng dẫn cách chăm sóc, kiểm tra cây và cách phòng trừ sâu bệnh, nên cho hiệu quả tích cực.

“Trước đây, nhà tôi chỉ trồng ngô, lúa một vụ, cuộc sống rất khó khăn. Mấy năm qua, trồng lê và đào, có HTX đến thu mua, địa phương hỗ trợ về kỹ thuật nên rất yên tâm, bình quân mỗi năm cũng thu được trên dưới 70 triệu đồng”, ông Di phấn khởi nói.

Cùng với ông Di, gia đình ông Sùng A Hồ ở bản Chang cũng đang được hưởng lợi từ Dự án trồng cây ăn quả tại xã Sà Dề Phìn. Gia đình ông bắt đầu trồng thử nghiệm cây lê từ năm 2014, đã cho thu hoạch trong khoảng hơn 5 năm qua, tạo thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Theo thống kê, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 500ha cây ăn quả nhiệt đới (xoài, mít, na, bưởi, cam, dứa) được trồng tại các địa phương đã và đang sinh trưởng, phát triển tốt, hình thành các chuỗi giá trị liên kết với HTX, doanh nghiệp cho lợi nhuận cao, đảm bảo thu nhập cho người dân.

Phát triển xanh gắn với du lịch

Bên cạnh cây ăn quả, ngành nông nghiệp huyện Sìn Hồ cũng đang phát triển thành công hàng loạt cây trồng khác cho hiệu quả cao, điển hình như cây dược liệu hữu cơ, trồng rừng...

Đáng chú ý, không dừng lại ở việc sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhiều người dân trên địa bàn huyện còn liên kết với nhau thành lập HTX, tổ hợp tác để cùng nhau mở rộng diện tích, phát triển theo hướng an toàn sinh thái, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tiêu biểu có thể kể đến HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ ra đời lấy mục tiêu trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và nông dân liên kết.

Để phát triển bền vững, sản xuất sạch, thân thiện môi trường là một trong những vấn đề được HTX đặc biệt quan tâm. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định. Hiện, các thành viên của HTX đều có nguồn thu nhập 40-80 triệu đồng/năm. HTX cũng tạo việc làm cho nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như vận chuyển, thu hái, chăm sóc… với tiền công khá cao.

Nông dân Sìn Hồ đang hướng đến làm nông kết hợp du lịch trải nghiệm.

Nông dân Sìn Hồ đang hướng đến làm nông kết hợp du lịch trải nghiệm.

Một điều đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp Sìn Hồ những năm qua là các HTX, hộ sản xuất ngày càng chú trọng canh tác theo hướng an toàn sinh thái. Không ít mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch trải nghiệm đã ra đời, cho thấy hướng đi đầy tiềm năng trong những năm tới.

Thuận lợi của Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch. Diện tích đất nông nghiệp lớn (trên 75.000 ha); đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn lưu giữ, bảo tồn nhiều bản sắc văn hóa tốt đẹp trong đời sống...

Vùng cao của Sìn Hồ gồm 10 xã và thị trấn Sìn Hồ với độ cao trung bình 1.000 - 1.800m so với mực nước biển, riêng thị trấn Sìn Hồ ở độ cao 1.500m, chịu ảnh hưởng của khí hậu ôn đới, thuận lợi cho việc phát triển cây chè, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Trong khi vùng thấp của Sìn Hồ ở độ cao trung bình từ 300 - 800m so với mực nước biển, là vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp như Cao su, Quế, cây ăn quả nhiệt đới như: Xoài, nhãn, bưởi, cam, chuối.., phát triển cá lồng trên các lòng hồ thủy điện... và du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La.

Với những điều kiện “thiên thời – địa lợi” trên, ngành nông nghiệp huyện Sìn Hồ đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX, nông dân tại các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch.

Thúc đẩy chuỗi giá trị hàng hóa

Ông Nguyễn Thành Văn, Giám đốc HTX Nông sản, Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, nhận định Sìn Hồ là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu theo hướng hữu cơ.

Phát huy những thế mạnh sẵn có, HTX đang liên kết trồng dược liệu gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn làm nền tảng phát triển nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân. Các thành viên của HTX hiện có nguồn thu ổn định bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy, cuộc “cách mạng xanh” trong sản xuất đang giúp nông nghiệp huyện Sìn Hồ chuyển biến toàn diện, hướng tới du lịch sinh thái giá trị cao. Theo đó, trong tương lai, huyện sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao...

Trên cơ sở những kết quả bước đầu, thời gian tới, huyện ủy Sìn Hồ xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để thực hiện thắng lợi Đề án; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Đề án gắn với các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với phát triển du lịch.

Huyện cũng sẽ tập trung xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như mắc ca, chè, cao su, cây dược liệu, các mô hình nuôi ong, nuôi cá lòng hồ. Thu hút, đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng có vùng nguyên liệu tập trung, nhà máy chế biến chè tại xã Phìn Hồ, nhà máy sơ chế dược liệu tại xã Sà Dề Phìn.

Đồng thời, kêu gọi thu hút các HTX,tổ hợp tác, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển du lịch, xây dựng quảng bá hình ảnh của huyện đến bạn bè, du khách; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án phát triển hạ tầng du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của huyện.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/xe-nui-lam-nong-nghiep-ket-hop-du-lich-trai-nghiem-o-sin-ho-1100761.html