Xe ô tô bỗng dưng bốc cháy trên đường và cách phòng tránh
Thời gian qua, dù lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa nhưng trên toàn quốc vẫn liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ xe ô tô bốc cháy khi đang lưu thông.
Nhiều vụ xe ô tô bỗng dưng bốc cháy
Khoảng gần 9h ngày 7/12/2022, tại Km12 - Km13 Đại lộ Thăng Long hướng từ trung tâm Hà Nội đi Hòa Lạc, một chiếc xe Santafe bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ngay khi phát hiện có cháy, tài xế và người đi đường đã nỗ lực dập lửa nhưng bất thành, ngọn lửa nhanh chóng bao trùm chiếc xe.
Nhận được tin báo, lực lượng CSGT, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để phân luồng giao thông, dập tắt ngọn lửa. Rất may vụ cháy không có thiệt hại về người.
Ngày 8/2/2023, xe Audi BKS 30V-16xx di chuyển trên đường Láng theo hướng Ngã tư Sở - Cầu Giấy thuộc địa phận quận Đống Đa (Hà Nội), khi tới ngang số nhà 216 thì bất ngờ bốc cháy. Nhận được tin báo, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 3 cùng các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng có mặt bảo vệ hiện trường, phân luồng và dập tắt đám cháy. Vụ việc may mắn không gây thiệt hại về người nhưng khiến chiếc ô tô bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do cháy chập từ vị trí đèn pha.
Tiếp đó, hồi 3h sáng ngày 10/2/2023, xe khách giường nằm chở 21 khách chạy trên quốc lộ 51 từ TP Vũng Tàu tới TP HCM bị cháy. Tài xế tấp xe vào lề, cùng phụ xe hô hào khách thoát được ra ngoài. Sau vài phút, ngọn lửa trùm toàn bộ ôtô rồi bắt sang cả hàng dây điện ven đường và nguy cơ cháy lan các nhà dân lân cận. Lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai đã phải điều động nhiều xe chuyên dụng đến dập lửa. Đám cháy không gây thiệt hại về người, song ôtô và nhiều tài sản của hành khách đã bị hủy, không thể cứu chữa.
Nguyên nhân các vụ cháy xe
Các chuyên gia cho rằng, hệ thống điện là nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy nổ phương tiện. Trên thực tế, gần như 100% xe khách, xe du lịch đều lắp thêm các thiết bị điện, chích nối nhiều dây dẫn một cách tùy tiện tới các đồ được chế thêm như tivi, tủ lạnh…. Các mối nối do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đã gây chạm chập, rồi bắt lửa vào khu vực rò rỉ nhiên liệu hoặc vật liệu dễ cháy trong quá trình vận hành xe.
Ngoài ra, những xe cũ, sử dụng lâu năm và những xe hoạt động với cường độ lớn thường phát sinh nhiệt, hệ thống nhiên liệu rò rỉ, hệ thống ống xả không kín cũng thường gây ra hiện tượng cháy. Nhiều trường hợp xe ô tô bốc lửa còn do rơm rạ hay vật dễ cháy mắc vào phần cổ ống xả. Một số xe khách còn chất nhiều đồ đạc, thậm chí còn cho cả xe máy vào cốp hay “chất” lên nóc phương tiện để chở. Trong khi đó, nhiên liệu trong xe máy không được hút cạn kiệt, khi để nằm nghiêng, xăng rò rỉ chảy vào các thiết bị máy móc, điện… gây cháy.
Cùng với nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan của lái xe. Xe đỗ trong ga ra, bãi xe nghỉ Tết bị ẩm ướt do không hoạt động nhiều ngày, khi qua Tết chở khách đi du Xuân, nhiều lái xe chủ quan không kiểm tra trước khi khởi hành. Phương tiện chạy được thời gian dài lại bị hoạt động tức thì khí ẩm ngưng tụ sẽ dẫn đến chập cháy hệ thống điện, điều hòa… Chưa kể, khi máy làm việc quá tải, lượng nước làm mát trong máy bị cạn kiệt mà lái xe không kiểm tra kỹ trước khi lưu thông cũng sẽ tạo nhiệt dẫn tới hỏa hoạn.
Cần làm gì để phòng ngừa cháy, nổ ô tô?
Để phòng ngừa cháy ô tô, quan trọng nhất vẫn là chủ xe và lái xe. Chủ phương tiện, lái xe cần quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng toàn bộ xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành trơn tru, an toàn; thường xuyên tự kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ, phòng tránh hiện tượng chập điện. Đặc biệt, cần tránh đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật, hạn chế việc đấu nối thêm phụ tải điện trên xe vì có thể gây quá tải cho hệ thống điện của xe.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, chăm sóc để tầm soát hiện tượng rò rỉ nhiên liệu xăng, dầu… bởi đây là nguồn dễ bắt lửa gây cháy. Khi trời nắng, lái xe cần chú ý khi đỗ xe phải tìm nơi râm mát; cần che phủ bạt khi đậu ngoài trời nắng nóng. Nếu di chuyển liên tục đường dài nên có thời gian cho máy nghỉ theo khuyến cáo của từng hãng xe.
Trong quá trình di chuyển, chủ xe, tài xế cần lưu ý, tránh rơm, rạ quấn vào xe, tạo ma sát cao gây cháy. Lưu ý không để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, nổ như hóa chất dưới gầm xe, đồ cá nhân của khách hàng với xe khách và các vật dụng cá nhân gây nguy cơ cháy đối với xe con.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc đầu tiên mỗi xe khách phải trang bị bình cứu hỏa và chuẩn bị đầy đủ các thiết bị phá cửa kính được đặt ở nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy và đặc biệt nhà xe phải có trách nhiệm hướng dẫn hành khách sử dụng thiết bị thoát nạn mỗi khi lên xe. Khi xe xảy hỏa hoạn, phải bình tĩnh hướng dẫn, hỗ trợ hành khách thoát nạn. Đối với phương tiện, trước khi vận hành cần kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị, đề phòng xe đỗ nhiều ngày trong bãi xe bị chuột cắn dây điện có thể gây đánh lửa chập cháy.
Đối với xe chạy đường dài, lái xe phải cho xe dừng nghỉ một thời gian nhất định, để cho các thiết bị như phanh, dầu phanh và các thiết bị phụ trợ an toàn phương tiện đàn hồi và nguội trở lại. Điều quan trọng nhất để cho hành trình an toàn nhưng không phải lái xe khách nào cũng thực hiện mỗi khi đổ đèo, lên đèo đó là dừng xe kiểm tra phanh, máy móc.
Với những cung đèo cao, vực thẳm, lái xe phải tuyệt đối tuân thủ việc lên đèo số nào thì xuống đèo phải giữ nguyên số đó để bảo toàn cho hệ thống phanh, lốp… Đặc biệt, việc tuân thủ đối với xe ô tô là biện pháp hiệu quả hạn chế tối đa việc xảy ra tai nạn giao thông và xảy cháy xe khi đang vận hành. Tốc độ cao quá mức cũng có thể gây cháy xe bởi sự ma sát các thiết bị, hoặc xe đổ đèo dài mà rà phanh liên tục cũng có thể gây cháy xe.