Xe ô tô nhập khẩu chịu những thuế gì?
Ô tô nhập khẩu, đặc biệt là xe thuộc những thương hiệu hạng sang so với xe trong nước sẽ phải chịu nhiều thuế hơn. Vậy xe ô tô nhập khẩu chịu những thuế gì trong năm 2020?
Khác với những mẫu xe được sản xuất trực tiếp trong nước, xe ô tô nhập từ nước ngoài về sẽ chịu thuế nhập khẩu với mức thuế theo từng quốc gia mà xe được sản xuất.
1. Thuế nhập khẩu
Thời điểm trước năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô đối với dòng du lịch 9 chỗ trở xuống thuộc khu vực ASEAN là 30% và khu vực bên ngoài là 70-80%. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2018, những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40% trở lên sẽ hưởng thuế nhập khẩu 0%.
Bên cạnh đó, Nghị định 116/2017 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cũng yêu cầu khắt khe hơn về thủ tục đối với dòng xe nhập khẩu như phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài; có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất; phải kiểm tra chất lượng ngẫu nhiên 1 xe trong mọi lô hàng nhập khẩu; có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo đúng chuẩn;... Chính những yêu cầu ngặt nghèo này mà khiến thị trường ô tô nhập nửa đầu năm 2018 gần như đóng băng.
Tuy nhiên, Nghị định 17/2020 mới có hiệu từ ngày 22/3/2020 đã lược bỏ bớt một số yêu cầu bất cập về thủ tục nhập khẩu ô tô. Điều này giúp nguồn cung của dòng xe nhập khẩu ổn định hơn nhiều.
Trong khi đó, đối với những dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ngoài ASEAN mức thuế nhập khẩu cũng sẽ được giảm từ từ theo. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới được thông qua, ô tô nhập khẩu từ thị trường châu Âu vào Việt Nam sẽ giảm về 0% sau 9-10 năm nữa tùy vào từng loại.
2. Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế áp dụng với một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nhằm hướng dẫn tiêu dùng xã hội và điều tiết một phần thu nhập của người nộp thuế. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 106/2016/QH13 đã sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 và Luật số 70/2014/QH13. Trong đó, đối với dòng xe có dung tích xilanh từ 2.000cm3 trở xuống, thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh giảm và tăng với dòng xe có dung tích xilanh từ 2000cm3.
3. Thuế giá trị gia tăng (VAT)
Thuế giá trị gia tăng = (Giá nhập tại cửa khẩu + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt) x Thuế suất thuế giá trị gia tăng
Công thức này được áp dụng theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật thuế Giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2016.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Luật thuế Giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Do ô tô nhập khẩu không nằm trong danh sách miễn thuế (VAT = 0%) nên sẽ phải chịu thêm 10% thuế VAT áp dụng cho tất cả các dòng xe.
Thông thường mức thuế 10% VAT đã được các hãng tính cả vào giá xe ô tô. Ví dụ, một chiếc xe Toyota Vios có giá niêm yết trên thị trường là 570 triệu đồng thì con số đó đã bao gồm cả 10% thuế VAT.
4. Thuế/phí để xe lăn bánh
Tuy nhiên, mức thuế phí để xe lăn bánh là bắt buộc với tất cả các dòng xe, kể cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Các mức thuế, phí khách hàng phải đóng để xe lăn bánh trên đường gồm có phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm vật chất xe, phí biển số, bảo hiểm trách nhiệm dân sự,...
Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương và loại xe đăng kí mà mức thuế, phí sẽ dao động khác nhau. Ví dụ như, đối với xe du lịch dưới 9 chỗ phí biển số đăng kí tại TP.HCM và Hà Nội sẽ là 20 triệu đồng, trong khi đó các khu vực khác sẽ thấp hơn, khoảng 1 triệu đồng. Hay như phí trước bạ sẽ dao động từ 10-12% tùy địa phương.
Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/xe-o-to-nhap-khau-chiu-nhung-thue-gi-5738.htm