Xe ôm công nghệ: Muốn đủ sống phải chạy xe 11 tiếng trở lên
Lăng kính của tài xế xe ôm công nghệ - những người luôn sẵn lòng chia sẻ câu chuyện thú vị về Sài Gòn và về công việc của họ.
Có một Sài Gòn lộng lẫy, sôi động, từ các con đường đông đúc, nắng nôi vào giờ cao điểm cho đến những ngõ hẻm xinh xắn. Có một Sài Gòn hào phóng với những người làm dịch vụ; thân thiện, gần gũi từ bình nước miễn phí ven đường; và cũng có một Sài Gòn vất vả mưu sinh.
Thị thành ký hôm nay là lăng kính của tài xế xe ôm công nghệ - những người luôn sẵng lòng chia sẻ câu chuyện thú vị về Sài Gòn và về công việc của họ.
Quá 12 giờ trưa, ăn vội ổ bánh mì, anh N.A.T – tài xế Grab Bike chuẩn bị cho cuốc xe chiều.
Sài Gòn đang mùa khô, nắng nóng kéo dài. Nhiều tài xế như anh ra khỏi nhà từ 5 rưỡi – 6 giờ sáng và chạy thông cho đến lúc về vào khoảng 7 giờ tối.
Trung bình mỗi ngày, chiếc xe Future chạy khoảng 200 cây số, 1 tuần thay nhớt một lần, 1 năm thay hai bộ lốp xe và phụ tùng, chạy được 3 năm thì đổi xe.
“Có những anh em ra sớm một xíu, trưa nghỉ ngơi, nhưng cũng có những người chạy xuyên trưa. Đặc biệt là những bạn chạy giao đồ ăn. Chúng tôi trang bị khẩu trang trùm hết mặt, mũ bảo hiểm lớn, bao tay, tất chân, áo khoác đủ cả, uống nhiều nước hơn”, anh T. cho biết.
Mùa nắng là thế. Mùa mưa hoặc triều cường, nhiều tuyến đường ngập nặng, anh Tuấn chia sẻ, có lúc lòng vòng ở quận 4 hoặc quận 7 cả tiếng đồng hồ, đồ không giao được mà xe thì mắc kẹt.
Theo anh T., để tồn tại trong bối cảnh khó khăn, lái xe phải chạy thêm giờ để bù đắp thu nhập. Bám mặt ngoài đường cả ngày dù nắng hay mưa.
“Đạt 500 ngàn tiền thu nhập ròng tốn khoảng khoảng 50-70 ngàn tiền xăng, chưa tính khấu hao, bảo dưỡng xe, 1 năm thay hai bộ lốp, nhông xe....
Năm 2023, thu nhập của những tài xế như anh giảm khoảng 20% so với trước đợt dịch Covid-19, nhưng anh nói, vẫn có việc để làm đã là may mắn.
Khi được hỏi về thu nhập mà mọi người vẫn cho là hấp dẫn, anh T. thành thật chia sẻ:
“Lần đầu tôi chia sẻ cởi mở với phóng viên nhé. Có những người anh em chạy chỉ được khoảng 300-400 ngàn/ngày. Có anh em thì 600 – 800 ngàn/ngày, thậm chí 1 triệu/ngày cũng có. Như tôi, tiền thưởng ngày được 50 ngàn, thưởng tuần được 350 ngàn. Tính ra chạy “full” tuần thì tiền thưởng được khoảng 700 ngàn. Công ty bây giờ đang áp dụng 2 mức thưởng là mốc 1 và mốc 2, tôi đang ở mốc 1, còn từ ngày công ty thay đổi chính sách thưởng thì tôi chưa bao giờ đạt được mốc 2 (thưởng 200 ngàn/ngày) cả”.
Những tài xế như anh T. được gọi là đối tác. Tuy nhiên, đã 5 năm làm việc, anh và những đồng nghiệp mới vào nghề hoặc lâu năm đều không hiểu nhiều về những chính sách cũng như khó mà theo kịp các mức chiết khấu và điều kiện, khoản thưởng cho lái xe. Anh Đ., đồng nghiệp của anh T. chia sẻ:
“Ừ thì cũng cho là cao thật đi. Nhưng cái giá để đánh đổi rất lớn. Để có thu nhập được gọi là chấp nhận được thì phải hoạt động từ 11 tiếng trở lên, chứ chạy 8 tiếng thì chỉ chạy thêm phụ tiền cơm, tiền nhà thôi. Tuy nhiên có một điều không rõ là đối với tài xế xe công nghệ cứ đạt thu nhập trên 100 triệu/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân 1.5% nhưng lại không được miễn trừ gia cảnh”.
Giữa năm 2013, khi làn sóng thất nghiệp gia tăng, nhiều người chuyển sang làm tài xế xe công nghệ. Số lượng tài xế công nghệ lên tới hàng trăm ngàn người. Đồng nghĩa, lượng tiền khấu trừ thuế không hề nhỏ. Anh T. đề xuất:
“Từ đáy lòng, tôi cũng rất tâm tư. Nhà nước cũng cần tuyên dương những tài xế xe công nghệ. Như tôi nộp 8% thuế thu hộ từ khách hàng, mỗi năm mười mấy hai chục triệu. Mà hàng trăm ngàn tài xế như vậy. Tôi mong về mặt chính sách cần có sự lưu tâm đến chúng tôi nhiều hơn”.
Bén duyên với nghề xe ôm công nghệ ở độ tuổi 35, và cũng đã từng chẳng ngại hiểm nguy khi chở hàng trăm ký rau cho bà con vùng tâm dịch, với anh T., nghề - không hẳn chỉ để mưu sinh.
Anh thích được khám phá đường phố Sài Gòn và cảm nhận về con người Sài Gòn theo góc nhìn của một tài xế xe máy. Đôi mắt nheo nheo cười hóm hỉnh lộ ra trên chiếc khăn trùm mặt kín mít, anh T. nói, “Cho dù nghề làm nghề dịch vụ, cũng gặp người này, người kia”.
“Có người thì thường có mặt trước để chờ chúng tôi. “Khách Tây” luôn đợi tài xế, chứ không để tài xế phải đợi khách hàng. Còn “Khách ta” thì cũng có khách phải chờ dài cả cổ. Có đêm chở một vị khách bị say xỉn, phun luôn hết cả người tôi. Nhưng có khách dễ thương, nhập nhầm địa chỉ đặt đồ ăn, rồi nhắn tin xin lỗi và tặng tôi luôn cả suất cơm trưa đó. Cũng xúc động lắm. Ngày lễ Tết, như sắp 8/3 chẳng hạn, cũng có chút tủi thân, vì mình toàn ship hoa, ship quà mà.... Nhưng được phục vụ người khác là vui vẻ rồi”.