Xe ôm nhọc nhằn mưu sinh giữa thời công nghệ
Cách đây hơn chục năm, xe ôm truyền thống phủ khắp thành phố Phủ Lý. Tại các khu vực ga tàu, bệnh viện, điểm dừng đỗ xe khách, xe buýt hay ngã tư dọc trục quốc lộ 1A… thường xuyên xuất hiện các tốp xe ôm. Giờ đây, xe ôm truyền thống vẫn còn nhưng không nhiều. Nhiều tài xế chạy xe ôm đã bỏ việc, chuyển sang làm các công việc khác để mưu sinh.
Đời sống, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, các cá nhân, gia đình mua sắm xe ô tô làm phương tiện đi lại ngày một nhiều. Bên cạnh đó, dịch vụ xe taxi phát triển rộng khắp với giá dịch vụ cạnh tranh. Chính vì vậy, lượng khách đi xe ôm ngày càng giảm. Gặp nhiều khó khăn trong công cuộc mưu sinh, hiện nay, chỉ còn số ít tài xế xe ôm còn bám trụ với nghề.
Ông Trần Văn Bình (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) có hơn 20 năm chạy xe ôm nhưng đã bỏ nghề cách đây hơn một năm để làm phụ hồ. Ông Bình cho biết: Trước đây, bằng nghề chạy xe ôm, tôi có thể nuôi sống cả gia đình. Đặc biệt, vào các dịp lễ hội đầu xuân mới, cánh xe ôm chúng tôi còn làm dịch vụ dẫn khách đi chùa Hương nên thu nhập rất tốt. Giờ đây, công nghệ phát triển, ai cũng có điện thoại thông minh với ứng dụng bản đồ chỉ đường là có thể đi bất cứ đâu một cách dễ dàng. Hơn nữa, dịch vụ xe công nghệ phát triển, người dân lựa chọn đi taxi chứ không còn chạy xe máy và hỏi đường đi chùa Hương như xưa nữa. Người dân cũng có điều kiện kinh tế hơn nên đi xa, đi gần, thậm chí là đưa đón con đi học cũng chọn đi xe taxi để tránh mưa, nắng. Dần dà, cánh xe ôm chúng tôi không còn việc để làm. Nhiều người đã quyết định bỏ nghề để chuyển sang làm các công việc khác như phụ hồ, bảo vệ cho các cơ quan, doanh nghiệp.
Giờ đây, hình ảnh các tài xế xe ôm đứng đón chở khách tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các điểm dừng đỗ xe khách, xe buýt dọc trục quốc lộ 1A như khu vực trước vườn hoa Phủ Lý, cổng ga Phủ Lý... vẫn còn nhưng số lượng không nhiều như trước. Đa số những người chạy xe ôm hiện nay đều đã có tuổi, không đủ sức khỏe làm những công việc nặng nhọc và mất nhiều thời gian trong ngày.
Quan sát dễ dàng nhận thấy, dù lượng khách đi xe ôm không nhiều nhưng ngày nào cũng vậy, những người làm nghề chạy xe ôm vẫn nhẫn nại ngồi chờ khách. Dường như đã quá quen với các khung giờ xe khách, xe buýt dừng trả khách tại từng điểm, các tài xế xe ôm rất chủ động thời gian đứng chờ sẵn tại điểm xe dừng để mời khách. Họ chỉ mong sao, ngày nào cũng có vài ba lượt khách đi xe để đến hết ngày, kiếm được chút tiền mang về cho gia đình, để ngày mai, nỗi lo cơm áo sẽ vơi đi phần nào trên đôi vai của họ.
Tranh thủ thời gian rảnh trong lúc đợi “đón tàu” vào ga Phủ Lý để mời khách đi xe, ông Trần Văn Huy (phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Tôi làm nghề chạy xe ôm đến nay cũng được khoảng 30 năm. Những người làm nghề xe ôm ở thành phố Phủ Lý hiện nay chắc đều ở tầm tuổi như tôi. Và có lẽ, chúng tôi cũng sẽ là những người cuối cùng trụ lại với nghề. Hơn chục năm về trước, lượng khách đi tàu từ Hà Nội, miền Nam dừng ở ga Phủ Lý rất đông. Tôi thường xuyên đón chở khách đi các huyện như Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm… Còn bây giờ, khách ở miền Nam xuống ga tàu, đi về các huyện đều có người nhà chạy xe ô tô riêng đến đón hay dịch vụ taxi lên chờ đón sẵn. Công việc ít, anh em trong nghề đều phải nhìn nhau để làm. Người này vào ga “đón tàu” thì người kia đứng chờ khách ở các điểm dừng xe khách, xe buýt. Ngày nào khá thì cũng kiếm được 100-150.000 đồng, nhiều ngày lại chẳng có đồng nào.
Theo các tài xế xe ôm, trước đây, ngày mưa cũng như ngày nắng, họ đều có mặt ở các điểm dừng đỗ xe khách và khu vực ga Phủ Lý để đón khách. Ngày nào cũng vậy, lượng khách đi xe ôm đông, người chạy xe ôm làm không hết việc. Bởi hồi ấy, đời sống còn khó khăn nên việc đi taxi là quá xa xỉ với hầu hết mọi người; người dân cũng không có nhiều xe máy, ô tô, không điện thoại thông minh, không có google map để chỉ đường như bây giờ.
Hiện nay, “mùa làm ăn” tốt nhất trong năm của những người làm nghề xe ôm là vào dịp tựu trường. Vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, các tân sinh viên từ Hà Nội và các tỉnh đổ về Phủ Lý để tìm thuê nhà trọ, chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài ra, dịp sau Tết Nguyên đán, công nhân lao động ngoại tỉnh trở về thành phố để làm việc nên cũng tạo việc làm, thu nhập cho các tài xế xe ôm. Còn các tháng khác trong năm, mỗi ngày, tài xế xe ôm chỉ có lác đác khách gọi xe. Ít khách, giá xăng dầu cũng ngày một tăng, khiến cho những người làm xe ôm càng thêm phần vất vả. Bởi lẽ, phần lớn khách chọn đi xe ôm để tiết kiệm chi phí so với gọi xe taxi nên nếu tăng giá dịch vụ thì xe ôm mất khách, mà không tăng thì thu nhập chẳng đáng là bao. Dù thu nhập rất thấp nhưng những tài xế xe ôm vẫn cố bám trụ với nghề, một phần vì họ quá gắn bó với nghề, phần vì tuổi đã cao, không đủ sức khỏe để làm các công việc khác.
Ông Trần Văn Toản (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho hay: Hai chục năm làm nghề chở xe ôm rồi, bỏ nghề cũng tiếc và nhớ lắm. Vả lại, tôi cũng không biết làm gì khác nên cứ túc tắc ngồi đây. Có một thời gian tôi đã xin đi làm bảo vệ cho một doanh nghiệp tại thành phố Phủ Lý nhưng cũng chỉ được ít hôm lại nghỉ vì sức khỏe yếu, không thể cứ dăm bữa nửa tháng mình lại xin nghỉ ốm được. Không như làm nghề chở xe ôm, ngày nào thời tiết nắng nóng hay yếu người thì nghỉ ở nhà. Ngày nọ bù ngày kia, tôi cũng chỉ mong mỗi tháng đều đặn kiếm được trên dưới 3 triệu đồng để không phải phụ thuộc nhiều vào con cái.
Cuộc sống mưu sinh của những người làm nghề chạy xe ôm truyền thống ngày càng trở nên khó khăn và nhọc nhằn trước sự bùng nổ của công nghệ và mức sống của người dân ngày càng nâng cao. Sự thay đổi, phát triển đi lên là điều hiển nhiên và mỗi ngành nghề sẽ bị đào thải nếu không còn phù hợp. Xe ôm truyền thống cũng vậy, những người hiện nay còn trụ lại với nghề hầu như đều đã qua 60 tuổi và cũng đã có đến trên dưới 30 năm làm nghề. Có thể, chỉ ít năm nữa, xe ôm truyền thống sẽ chỉ còn là những câu chuyện kể.