Xe quá tải 'lộng hành' sau giãn cách xã hội

Theo Bộ GTVT, tình trạng xe quá tải, xe cơi nới kích thước thùng để chở hàng quá tải lưu thông trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn sau thời điểm giãn cách xã hội.

Cụ thể, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ qua các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc và một số tỉnh đồng bằng Sông Hồng như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ VN; các Cục quản lý chuyên ngành như Đường bộ, Hàng hải, Đăng kiểm, Đường thủy nội địa, Đường sắt và Hiệp hội Vận tải ô tô VN tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường phối hợp triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

"UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải và chế tài xử phạt vi phạm", Bộ GTVT đề nghị.

Hoạt động vận tải xi măng ở Hà Nam gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân khu vực.

Xe quá khổ, quá tải chạy trên tuyến quốc lộ 1A, địa phận tỉnh Hà Nam.

Những chiếc xe chở xi măng từ Hà Nam đi các tỉnh có dấu hiệu quá tải lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Cao Tuân

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, các Cục quản lý chuyên ngành đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng xe theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.

Đối với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đơn vị này tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện và của cầu, đường bộ.

Trước đó, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng xe quá tải "lộng hành", uy hiếp nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông và ảnh hưởng sức khỏe người dân sinh sống ven đường.

Điển hình tại tỉnh Hà Nam, mỗi ngày có rất nhiều xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở xi măng quá tải từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng lưu thông trên QL.21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê đến Cảng Bút Sơn, địa bàn huyện Kim Bảng và TP. Phủ Lý…

Tương tự, trên Pháp Vân - Cầu Giẽ, tình trạng xe ô tô, xe đầu kéo chở xi măng từ nhà máy Vicem Bút Sơn về các tỉnh cũng có nhiều dấu hiệu chở quá tải.

Theo ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ Thủ đô nên việc cung cấp các loại vật liệu cho thành phố chủ yếu qua tuyến đường này. Các lái xe đều biết trên tuyến chưa có trạm cân nên vô tư chất hàng chở quá tải.

Dù không có con số chính xác nhưng qua nhận định trực quan, ước tính có tới khoảng 400 - 500 xe quá tải chạy trên tuyến một ngày đêm...

Cao Tuân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//xe-qua-tai-long-hanh-sau-gian-cach-xa-hoi-169211127155457892.htm