Xe quá tải 'né' trạm cân, làm hư đường nông thôn
Thời gian qua, người dân sống tại hai ấp Tân Tây và Tân Đông, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu nhiều lần phản ánh về tình trạng xe chở quá tải trọng 'né' trạm cân trên đường 785 (gần ngã tư Tân Hưng) chạy vào các tuyến đường nông thôn, làm hư hỏng đường sá và không bảo đảm an toàn giao thông.
Trạm cân lưu động có ngăn ngừa xe quá tải hiệu quả?
Theo người dân hai ấp Tân Tây và Tân Đông, kể từ khi chính quyền triển khai trạm cân lưu động, số lượng xe quá tải lưu thông trên đường 785 đã giảm, tài xế và chủ xe chấp hành tốt quy định về tải trọng hàng hóa vận chuyển. Thế nhưng, đó là xe container, xe chở hàng hóa trên trên tuyến đường chính. Còn đối với những xe chở vật liệu cát đá, hay xe tải có tải trọng nhỏ, vẫn còn đó những tài xế, chủ xe vì lợi nhuận chở hàng hóa quá tải. Trạm cân đặt trên đường 785, nên nhiều xe chở quá tải tìm cách “né”, vòng vào các con đường nhỏ ở ấp Tân Tây, chạy ra đường 785B, rồi xuống đường 793 về thành phố Tây Ninh hoặc ngược lại.
Đường nông thôn đã nhỏ, lại là đường đất đỏ, mùa nắng xe tải chạy qua, bụi mù mịt. Những tài xế tìm cách “né” trạm cân, dù chạy trong đường quê, họ vẫn không chạy chậm, nguy cơ gây tai nạn giao thông gia tăng, nhất là giờ cao điểm, khi có nhiều học sinh đi học hay tan trường. Mùa mưa, xe tải nặng hoành hành, nhiều con đường đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, người dân càng thêm bức xúc.
Tương tự như Tân Tây, ở Tân Đông cũng vậy. Một người dân cho biết, do trạm cân lưu động đặt dưới ngã tư Tân Hưng nên khi các xe tải chạy từ hướng Tân Châu xuống đã chạy vào các con đường nông thôn trong ấp để vòng ra đường Tân Hưng - Bờ Hồ về huyện Dương Minh Châu. Phần lớn là xe chở cát đá nên đường nông thôn nhanh chóng hư hỏng.
Người dân ấp Tân Đông đã kiến nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng xe quá tải “né” trạm cân, làm hư hỏng các tuyến đường nông thôn, gây mất an toàn giao thông cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo người dân, việc lắp đặt trạm cân lưu động trên đường 785 để kiểm soát và xử lý tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường là điều cần thiết, nhưng để thực sự hiệu quả, ngành chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm các xe tải cố tình “né” trạm cân. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh, việc lắp đặt trạm cân lưu động trở nên mất tác dụng.
Chính quyền địa phương “bó tay”
Một cán bộ UBND xã Tân Hưng cho biết, dù chính quyền địa phương biết tình trạng này, nhưng lại không có thẩm quyền xử lý. Thời gian qua, UBND xã cũng đã lắp đặt barrier ngay đầu các con đường để hạn chế xe tải lớn lưu thông. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, barrie đã bị kẻ gian phá hoại, tình trạng xe tải “né” trạm cân lại tiếp tục hoành hành. Xe quá tải chạy nhiều gây hư hỏng đường, địa phương phải tiêu tốn không ít kinh phí sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông.
Theo vị cán bộ xã, có thể do địa điểm đặt trạm cân lưu động chưa hợp lý. Nếu được đặt ở một vị trí thích hợp, không có nhiều đường nhánh, xe quá tải muốn “né” cũng không có đường ra, khi đó trạm cân lưu động mới thật sự phát huy hiệu quả. Chính quyền xã cũng có nghe thông tin về đội ngũ “cò canh đường” cho xe quá tải “né” trạm cân lưu động, nhưng chưa xác định thực hư thế nào.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, “cò canh đường” xuất hiện rất nhiều gần trạm cân, thậm chí còn cử người đeo bám gần trạm cân để theo dõi sát hoạt động. Khi thấy lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra, họ bám theo để thông báo cho các xe quá tải tìm đường “né”.
Tăng cường tuần tra xử lý
Ông Lê Nhựt Thành- Phó chánh Thanh tra Giao thông kiêm Trưởng trạm cân lưu động cho biết, biên chế đội hiện nay chỉ có 13 người, chia làm 3 ca để tuần tra, trong khi xung quanh trạm có nhiều tuyến đường nhánh nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra phát hiện, xử lý xe quá tải. Hơn 3 tháng qua, mỗi tháng chỉ xử lý hơn 10 xe quá tải.
Theo ông Thành, ngoài việc có nhiều đường nhánh xung quanh trạm cân thì đội ngũ “cò” canh đường bám sát gần trạm cân cũng gây nhiều trở ngại cho lực lượng Thanh tra giao thông. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Công an huyện Tân Châu tăng cường tuần tra, phối hợp xử lý xe quá tải “né” trạm cân chạy vào các tuyến đường nông thôn tại xã Tân Hưng. Ông Thành cho biết thêm, vị trí đặt trạm cân lưu động trên đường 785 đã được khảo sát và bảo đảm hợp lý trước khi đặt trạm cân.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Tài cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin người dân hai ấp Tân Tây và Tân Đông, xã Tân Hưng phản ánh tình trạng xe quá tải do “né” trạm cân, làm hư hỏng đường sá, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp này.
Có ý kiến cho rằng, để xử lý tình trạng quá tải, ngoài công cụ pháp luật, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức chấp hành của các chủ phương tiện và tài xế. Đây là một vấn đề hết sức nan giải, dù không ít chủ doanh nghiệp vận tải ký cam kết không vi phạm chở hàng hóa quá tải.
Thế Nhân
Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi-rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng) và trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi-rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi-rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ-moóc và sơ mi-rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi-rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.
Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể như sau:
- Tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30% (hoặc từ trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng) thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
- Tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
- Tỷ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 28.000.000 đồng đến 32.000.000 đồng.
- Tỷ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32.000.000 đồng đến 36.000.000 đồng.
- Tỷ lệ quá tải trên 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/xe-qua-tai-ne-tram-can-lam-hu-duong-nong-thon-a114586.html