Xe sang liên tục bị triệu hồi, khách Việt thờ ơ, sợ mất 'zin'

Nhiều mẫu xe sang tiền tỷ bị dính lỗi kỹ thuật tại Việt Nam đã phải triệu hồi như Ford Explorer, Audi Q5, Lexus RX350... Tuy nhiên, khi vấn đề này đã trở thành chuyện như cơm bữa, khách Việt lại thờ ơ, sợ mất 'zin' xe.

Xe sang liên tục bị triệu hồi tại Việt Nam

Những ngày cuối tháng 2, thị trường xe Việt liên tục chứng kiến những cuộc triệu hồi lớn đến từ các hãng xe sang có tên tuổi như Audi, Lexus, Ford… Theo đó, Công ty Ford Việt Nam vừa phát đi thông báo về đợt triệu hồi liên quan tới 1.796 xe Ford Explorer nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Những xe nằm trong diện triệu hồi được sản xuất từ 13-2-2016 đến 25-10-2017.

Nguyên nhân của đợt triệu hồi này do phần khung chân ghế chỉnh điện phía trong có thể có phần hoàn thiện không đúng để lại cạnh nhọn sắc bén. Chi tiết này có thể khiến người dùng bị thương hoặc đứt tay nếu chạm vào giữa ghế và cụm điều khiển trung tâm.

Lexus Việt Nam cũng thông báo triệu hồi 282 xe Lexus RX350 tại thị trường Việt Nam

Lexus Việt Nam cũng thông báo triệu hồi 282 xe Lexus RX350 tại thị trường Việt Nam

Hãng xe sang thương hiệu Nhật Bản - Lexus Việt Nam cũng thông báo triệu hồi 282 xe Lexus RX350 tại thị trường Việt Nam để để cập nhật phần mềm ECM và thay thế hộp số. Dòng xe này được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 19-10-2017 đến 26-12-2018. Nguyên nhân được xác định là do bộ phận điều khiển hộp số tích hợp bên trong ECM được lập trình chưa tối ưu, dẫn đến hiện tượng xe bị giật khi vào số D, nổi đèn check động cơ hoặc khiến ly hợp trong hộp số bị hư hại.

Cũng trong tháng này, Audi Việt Nam thông báo triệu hồi là 618 chiếc Audi Q5 phải triệu hồi để kiểm tra và thay thế vít gia cố ốp chắn bùn bánh sau có thể rơi ra khỏi xe. Các xe Audi Q5 bị ảnh hưởng được sản xuất từ 1-2017 đến 8-2019 được nhập khẩu và phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Thời gian kiểm tra và thay thế vít gia cố ốp chắn bùn bánh sau là 30 phút cho mỗi xe.

Trước đó vào cuối tháng 6/2019, Mercedes-Benz Việt Nam đã triệu hồi hàng loạt mẫu xe gồm: C200 (W205), C250 (W205), C300 (W205), E200 (W213), E250 (W213), E300 (W213) với tổng số lượng lên tới 1.648 chiếc để kiểm tra, thay thế hộp điều khiển và cụm cơ cấu lái.

Cuối tháng 7/2019, 7.453 chiếc Ford Ranger, 23.406 chiếc SUV Everest tiền tỷ lỗi túi khí Takata kinh điển cũng dính án triệu hồi.

Cuối tháng 7, 7.453 chiếc Ford Raanger, 23.406 chiếc SUV Everest tiền tỷ lỗi túi khí Takata kinh điển cũng dính án triệu hồi.

Cuối tháng 7, 7.453 chiếc Ford Raanger, 23.406 chiếc SUV Everest tiền tỷ lỗi túi khí Takata kinh điển cũng dính án triệu hồi.

Nói về nguyên nhân xe sang ngày càng bị triệu hồi nhiều ở Việt Nam, anh Thành Trung, chủ một garage chuyên sửa xe sang ở Hà Nội cho biết, nếu trước đây số lượng mẫu xe còn ít, mỗi dòng xe phát triển một nền tảng khác thì đến nay cùng một nền tảng có thể dùng chung cho nhiều dòng, chủng loại. Mục đích việc sử dụng chung nền tảng như khung sườn, động cơ, hệ thống truyền động, hệ thống phanh tới một số lượng lớn các chi tiết nhỏ... cho nhiều xe là muốn cắt giảm chi phí, tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

"Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu một lô phụ tùng được cung cấp bị thiết kế sai lệch hay chất lượng kém? Điều gì xảy ra nếu thiết kế dây chuyền lắp đặt chưa tối ưu, các chi tiết không đặt đúng chỗ, đúng cách? Như vậy chỉ một mắt xích sai, có thể hàng triệu xe ra khỏi nhà máy dính lỗi. Chính kiểu phát triển này khiến cho một khi gặp lỗi, một số lượng lớn xe sẽ bị triệu hồi", anh Thành Trung nói.

Khách Việt thờ ơ trước thông báo triệu hồi

Có thể thấy, triệu hồi xe do lỗi kỹ thuật đang là hiện tượng rất phổ biến không chỉ trên thế giới mà tồn tại cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại là hầu hết các văn bản thông báo triệu hồi của Cục Đăng kiểm thường khá chung chung thậm chí không chỉ rõ mức độ nguy hiểm của những lỗi này đến đâu khiến người tiêu dùng dường như vẫn tù mù và thậm chí là thờ ơ.

Audi Q5 là mẫu xe sang thường xuyên dính án triệu hồi tại Việt Nam.

Audi Q5 là mẫu xe sang thường xuyên dính án triệu hồi tại Việt Nam.

Kỹ sư ô tô, Lê Văn Tạch (chủ gara sữa chữa ô tô tại Vĩnh Phúc) đánh giá: “Nhận thức của dân Việt về vấn đề này vẫn còn hạn chế. Khi có thông báo triệu hồi của các hãng có liên quan đến xe của người sử dụng nhiều khi, họ cũng không hiểu rõ vấn đề có thực sự cần thiết, nghiêm trọng không".

"Thậm chí, có người đi xe đến chỗ tôi sửa xe cũng nói thẳng, hãng có gọi triệu hồi xe nhưng họ không mang xe đến vì sợ tháo linh kiện, "bổ máy" sẽ mất zin xe, sợ tháo ra sửa cái này hỏng cái kia rồi bán mất giá, họ không thích. Triệu hồi xe liên quan đến vấn đề an toàn nhưng họ lại không quan tâm bằng việc làm sao giữ được độ nguyên bản của xe”, anh Lê Văn Tạch kể.

Theo anh Tạch, nguyên nhân bắt nguồn có thể nói là do cơ quan chức năng không nêu rõ được đúng hậu quả tối đa các lỗi xe gây, thông báo triệu hồi thường đưa ra định nghĩa các lỗi rất đơn giản, không phản ánh đúng thực tế khiến người dân nghĩ không cần thiết phải đem đi khắc phục.

“Bên cạnh đó, cơ quan quản lý dường như buông lỏng, hầu như chỉ phát thông tin triệu hồi nhưng ít quan tâm đến tiến độ, kết quả triệu hồi, khắc phục như thế nào. Bản thân tôi cũng từng phản ánh lên Cục Đăng kiểm về việc hãng triệu hồi như thế nào, quy trình xử lý như thế nào để mình nắm bắt cho chuẩn nhưng Cục đăng kiểm cũng không thông tin, phản hồi lại. Tôi hỏi hãng thì hãng cũng không xử lý”, kỹ sư Tạch nói.

Anh Nguyễn Đức Giang, một khách đi xe Mercedes ở Hà Nội bày tỏ: “Khách hàng đi xe sang như tôi không ít lần ấm ức vì cách triệu hồi xe của hãng không triệt để và hay đổ thừa lỗi của mình sang cho người tiêu dùng, thời tiết, đường sá... Nên tôi cũng như nhiều anh em khác không mấy “mặn mà” hay sốt sắng khi có thông tin xe mình dính vào một hai lần triệu hồi nào đó".

Theo anh Giang, khi các hãng xe triệu hồi do lỗi kỹ thuật thì cần tôn trọng khách hàng và nghiêm khắc với chất lượng xe của mình.

Trao đổi với phóng viên Vietnamnet, Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, mỗi năm, Cục phê duyệt hàng chục chương trình triệu hồi của các cơ sở sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, với số lượng lên tới hàng trăm ngàn chiếc.

"Các mẫu xe hơi nhập vào Việt Nam đều được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy định tại thông tư và các quy chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT ban hành. Tuy nhiên, việc triệu hồi là chuyện không thể tránh khỏi trong lĩnh vực này và thậm chí là chuyện như cơm bữa", ông An nói.

Ông phân tích, ngày càng nhiều hệ thống, công nghệ hiện đại được áp dụng nhưng trong quá trình thiết kế nhà sản xuất đã cố gắng loại trừ lỗi đến mức có thể.

"Việc triệu hồi xe là điều không ai mong muốn, nhưng trách nhiệm nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm của mình đưa ra thị trường có uy tín với người tiêu dùng thì trong quá trình khai thác sử dụng khi phát hiện ra lỗi người ta buộc phải phát thông báo triệu hồi để xử lý. Nhà sản xuất nào không tiến hành triệu hồi xe khi có lỗi thì cơ quan chức năng theo phẩm quyền của mình sẽ vào cuộc xử lý. Trên thực tế sau những đợt triệu hồi thì các hãng đều có gửi báo cáo kết quả về Cục đăng kiểm”, ông An cho hay.

Chi Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/tin-tuc/xe-sang-lien-tuc-bi-trieu-hoi-khach-viet-tho-o-so-mat-zin-620085.html