Xe Suzuki 'chờ chết' do thiếu phụ tùng: Sẽ xem xét trách nhiệm hãng xe
Sau bài 'Suzuki Ertiga bị tai nạn nằm 'chờ chết' do hãng không có phụ tùng sửa chữa', cơ quan chức năng cho biết sẽ yêu cầu hãng xe báo cáo.
Sẽ xử lý cả gara lẫn nhà sản xuất nếu có sai phạm
Báo Giao thông vừa có bài "Suzuki Ertiga bị tai nạn nằm "chờ chết" do hãng không có phụ tùng sửa chữa" phản ánh vụ việc chiếc xe Suzuki Ertiga tại Cà Mau mới mua chạy chưa được 1.000km bị tai nạn, nằm xưởng 9 tháng vẫn không có phụ tùng thay thế.
Trao đổi với PV Báo Giao thông liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo của Phòng Kiểm tra chất lượng xe cơ giới (VAQ) - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, qua kiểm tra cho thấy cơ sở bảo hành bảo dưỡng của đại lý Suzuki Ngọc Anh (địa chỉ 111 Lý Thường Kiệt, phường 6, TP Cà Mau) đã được cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn từ ngày 21/5/2020. Theo quy định tại Nghị định 116/2017 (quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô) và các thông tư hướng dẫn, cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô như đại lý này phải có cam kết về việc được chính hãng cung cấp đủ phụ tùng phụ kiện xe ô tô. Đây là quy định bắt buộc. Nếu gara không có đủ vật tư phụ tùng thì có thể bị rút giấy phép thực hiện phần dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng theo quy định.
Đối với nhà sản xuất, theo các quy định hiện nay cũng phải cung cấp đầy đủ các linh phụ kiện cho các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Vì vậy, Cục sẽ cho kiểm tra và yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu báo cáo. Nếu không đáp ứng được sẽ có biện pháp xử lý. Chế tài cao nhất có thể thu hồi giấy phép nhập khẩu ô tô.
Nhiều chủ xe bức xúc về chất lượng bảo hành bảo dưỡng của Suzuki
Sau khi Báo Giao thông đăng bài phản ánh, nhiều khách hàng sử dụng ô tô Suzuki đã gửi mail, điện thoại về đường dây nóng của báo phản ánh về chất lượng dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng của Suzuki.
Chị Phạm Thị Yến (sinh năm 1987, sống ở Hà Nội), đang sử dụng chiếc Suzuki Swift cho biết, giá phụ tùng Suzuki không được niêm yết công khai, mỗi đại lý báo một giá khác nhau là điều chị thấy vô lý nhất của hãng xe này.
“Có hôm đi bảo dưỡng xe ở Cầu Giấy, có hạng mục phải thay má phanh trước, mấy hôm sau vào nhóm cộng đồng người dùng xe Suzuki thì thấy một thành viên đăng bảng giá bộ má phanh cùng loại của đại lý bên quận Long Biên rẻ hơn 10%. Có những loại phụ tùng tưởng rất đơn giản như cần gạt mưa kính chắn gió phía sau, lại thuộc loại “của hiếm” vì nó ngắn hơn các gạt mưa xe hạng A phổ thông, phải đợi hàng tuần lễ mới có hàng thay thế”, chị Yến thuật lại.
Ông Minh Tuấn ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), người đang sử dụng xe Suzuki Vitara 2015 màu xanh trắng cho biết, chiếc xe của ông gặp vấn đề điều hòa chập chờn, thi thoảng không làm mát mà chỉ có quạt gió, cũng đến hãng chỉnh điều hòa vài lần nhưng đành chấp nhận vì tư vấn kỹ thuật của hãng nói xe này phiên bản Châu Âu (nhập nguyên chiếc từ Hungari) nhưng đã hết bảo hành, nếu nhập lốc điều hòa về thay mới thì rất đắt, có thể tốn 55 - 60 triệu đồng.
Mới nhất, ngày 24/8/2020, một khách hàng tại TP.HCM than phiền trên trang facebook cá nhân về hiện tượng xì nhớt (chảy dầu) ở ống nhún giảm xóc trước bên phụ của chiếc xe Suzuki Celerio mới mua. Sau khi chụp hình ảnh gửi cho đại lý để xem xét có thuộc phạm vi bảo hành hay không, vị chủ xe nhận được câu trả lời là xe của anh thuộc trường hợp nhẹ, tiếp tục vừa đi vừa theo dõi, nếu chảy dầu nặng hơn mới thực hiện việc bảo hành...
Đặc biệt sau khi đọc bài viết trên Báo Giao thông, nhiều người cũng bày tỏ sự đồng cảm với chủ xe đồng thời cho rằng, khi mua một chiếc ô tô, quan trọng nhất là chế độ hậu mãi, bảo dưỡng sửa chữa và thay thế phụ tùng. Điều này hiện chưa được nhiều người tâm, chú ý đúng mức. Chính vì thế đừng ham rẻ mà mua xe của những thương hiệu chỉ biết bán xe mà không có trách nhiệm hay năng lực cung cấp phụ tùng, linh kiện như Suzuki.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này.