Xe tải tông xe máy trên cao tốc: Có phải chịu trách nhiệm?

Cơ quan chức năng sẽ xem xét yếu tố lỗi của các bên để xác định mức bồi thường và việc có xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ việc hay không.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 5-2 vừa qua xảy ra một vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, người điều khiển xe máy đi ngược chiều bị xe tải tông tử vong. Sau vụ việc, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các bên trong vụ việc này. Người thì cho rằng xe máy đi trên đường cao tốc có lỗi nên phải bồi thường, người thì cho rằng tài xế ô tô phải bồi thường.

Vậy pháp luật quy định thế nào trong trường hợp trên?

Không có lỗi vẫn có thể phải bồi thường

Cơ quan chức năng bước đầu xác định khoảng 22 giờ ngày 5-2, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An, xe tải 84C-055.83 do tài xế TQT (30 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) điều khiển lưu thông theo hướng miền Tây - TP.HCM va chạm với xe máy 54K4-0215 do ông THV (61 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) điều khiển chạy ngược chiều tại làn đường dành cho ô tô. Sau va chạm, ông V tử vong tại chỗ. Công an huyện Bến Lức (Long An) đang thụ lý điều tra vụ việc.

Người dân điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người dân điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một kiểm sát viên cho biết việc điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc là trái quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ.

Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp: Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Áp dụng trong vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc TP.HCM -Trung Lương thì về nguyên tắc, chủ sở hữu, người điều khiển xe tải 84C-055.83 phải bồi thường thiệt hại cho ông V (người điều khiển xe máy đi ngược chiều) ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp việc ông V tử vong hoàn toàn do lỗi cố ý của ông này (cố tình đi vào đường cao tốc).

Tuy nhiên, khi xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần xét yếu tố lỗi của ông V, vì theo quy định tại Điều 585 BLDS và Nghị quyết 02 thì trường hợp cơ quan điều tra kết luận ông V cũng có một phần lỗi thì ông V sẽ không được nhận toàn bộ khoản bồi thường mà sẽ bị trừ đi phần được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.

Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xác định ai là chủ sở hữu chiếc xe tải, tài xế T hay người khác. Nếu tài xế T không phải chủ sở hữu thì xác định xem chủ sở hữu giao xe đúng luật hay không, các bên có thỏa thuận về trách nhiệm gì khi xảy ra tai nạn hay không…

Từ đó, căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 02 để xác định ai phải bồi thường. Đơn cử, trường hợp kết quả điều tra cho thấy tài xế T là chủ sở hữu chiếc xe tải nói trên thì tài xế này phải có trách nhiệm bồi thường.

Hay như trường hợp nếu chủ sở hữu giao xe cho tài xế T không đúng quy định (ví dụ giao xe cho người không có bằng lái, không đủ điều kiện tham gia giao thông…) thì chủ sở hữu xe phải bồi thường.

Có xem xét trách nhiệm hình sự?

Về việc xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ việc, vị kiểm sát viên cũng cho biết để xác định có hay không yếu tố hình sự thì cần phải xem xét toàn diện, đầy đủ yếu tố lỗi của các bên khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, giảng viên Học viện Tư pháp Cơ sở TP.HCM) cũng cho biết việc có khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp này hay không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra.

Cụ thể, cơ quan điều tra sẽ xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ, tiến hành trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Xác định lỗi của các bên trong vụ án, xác định có lỗi của người điều khiển ô tô hay không, chẳng hạn như vượt quá tốc độ, có sử dụng rượu bia, không đảm bảo khoảng cách an toàn trên cao tốc theo quy định…

Trường hợp kết luận điều tra xác định có lỗi của tài xế ô tô và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xe không có bảo hiểm, bên bị thiệt hại vẫn được nhận hỗ trợ

Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định từng loại đường, phần đường và loại xe cơ giới được phép lưu thông trên những loại đường này.

Theo đó, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô… không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Do đó, trong vụ việc này người điều khiển xe máy đã đi vào loại đường không được phép lưu thông là hành vi trái quy định.

Về các khoản bồi thường, hỗ trợ, trong trường hợp xe tải không tham gia bảo hiểm bắt buộc hoặc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, tài xế hoặc của người bị thiệt hại; thiệt hại đối với tài sản do tài xế điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy...) thì người bị thiệt hại vẫn được Quỹ bảo hiểm xe cơ giới chi trả một khoản tiền hỗ trợ nhân đạo theo quy định tại Nghị định 03/2021.

Cụ thể, mức chi hỗ trợ nhân đạo sẽ bằng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/một người/một vụ đối với trường hợp tử vong.

Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xe-tai-tong-xe-may-tren-cao-toc-co-phai-chiu-trach-nhiem-post718931.html