Những hình ảnh mới nhất cho thấy Nga đang duy trì hai loại máy bay có số lượng nhiều nhất là Su-24 và Su-34. Được biết những chiếc cường kích này đang trở thành cú đấm thép trên không của quân đội Nga nhằm hủy diệt phiến quân Syria.
Khá bất ngờ khi lần đầu tiên số lượng Su-34 ngang bằng với Su-24, loại máy bay luôn được ưu tiên sử dụng cho chiến trường Syria.
Su-34 là một trong những chiến đấu cơ tham chiến sớm nhất khi Nga quyết định can thiệp vào chiến trường Syria để giúp quân đội chính phủ.
Dù được cho rằng Su-34 sẽ tạo ra kỳ vọng lớn nhưng thực tế bước đầu cho thấy những chiếc Su-34 không thực sự có hiệu suất như mong đợi.
Năng lực tác chiến của nó thậm chí còn thua kém cả đàn anh Su-24 mà nó dự định sẽ thay thế.
Điều này buộc Nga phải rút những chiếc Su-34 đầu tiên về nước và nâng cấp từ kinh nghiệm thực chiến tại Syria.
Sau khi trở lại Syria, năng lực tác chiến của những chiếc Su-34 đã hoàn toàn đổi khác. Chúng trở thành một trong những chiến đấu cơ tiền tuyến của quân đội Nga tại đây.
Hầu như ngày nào những chiếc Su-34 cũng cất cánh để đánh phá các vị trí đóng quân và phòng thủ của phiến quân Syria.
Ngoài bom thông thường thì Su-34 còn sử dụng cả tên lửa đánh đất và bom thông minh để hủy diệt những cứ điểm cố thủ của phiến quân Syria.
Hiện nay những chiếc Su-34 kết hợp với Su-24 đã thay thế toàn bộ vai trò của những chiếc trực thăng tấn công của Nga tại chiến trường này.
Đây là minh chứng rõ nhất cho hiệu năng chiến đấu đáng nể của những chiếc Su-34.
Có thể nói rằng Su-34 đang là một trong số ít những vũ khí có hiệu suất cao nhất của Nga tại Syria.
Su-34 vừa có khả năng đánh đất hiệu quả trong khi vẫn có thể đối không mạnh mẽ, đây chính là lý do Nga dùng phi cơ này để thay thế cho Su-30SM và Su-25 cũng như những trực thăng tấn công hạng nặng.
Ngoài vai trò chủ yếu tấn công mục tiêu mặt đất thì dòng chiến đấu cơ này theo quảng bá của Nga là nó còn có khả năng đối không cực mạnh mẽ.
Nga cũng đã thử nghiệm thành công khả năng tích hợp tên lửa không đối không mạnh nhất của nước này là R-77 lên cường kích Su-34.
Về cơ chế tìm diệt, trong pha đầu sau khi được phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu). Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.
Khi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách ngắn, R-77 sẽ kích hoạt chế độ “chủ động”, radar của tên lửa sẽ lưu giữ thông tin mục tiêu đã được tính toán để sử dụng phòng trường hợp mục tiêu thoát khỏi “khóa chết”. Nếu đầu dò bị gây nhiễu, R-77 lại chuyển sang chế độ thụ động và lần tìm theo nguồn phát nhiễu để tiêu diệt.
Khi công kích các mục tiêu không có khả năng cơ động tốt bay ở độ cao lớn trong trạng thái đối đầu, R-77 (RVV-AE) có thể bắn từ cự ly 100 km, đầu dò radar chủ động của tên lửa có tầm hoạt động 20 km. Ở tầm ngắn, R-77 tiêu diệt được mục tiêu có khả năng cơ động kinh hoàng.
Việc Nga quyết định lắp tên lửa đối không tầm trung cho cường kích Su-34 để thay nhiệm vụ cho Su-30SM khi thực hiện không kích phiến quân tại Syria đã khiến giới quan sát bất ngờ.
Rõ ràng kết hợp cả vai trò đánh đất và đối không cho Su-34 đã giúp loại máy bay này ngày càng có vị thế quan trọng tại Syria.
Việc thực chiến thành công của Su-34 còn giúp Nga có cơ hội quảng bá dòng chiến đấu cơ này trên thị trường vũ khí.
Su-34 có chiều dài 23 mét và sải cánh rộng 14,7 mét, trọng lượng rỗng của chiếc máy bay này 22,5 tấn. Trọng lượng cất cánh tối đa của Su-34 lên tới 45 tấn.
Su-34 sử dụng 2 động cơ Lyulka AL-35F cho vận tốc cực đại Mạch 1,8, tầm bay 4.500km.
Kho vũ khí mang theo của Su-34 lên tới hơn 8 tấn bao gồm pháo, bom, rocket và các loại tên lửa.
Không quân Nga đang có trong biên chế khoảng hơn 100 chiếc Su-34, họ vẫn đang tiếp tục chế tạo thêm.
Việt Hùng