Tại cuộc triển lãm ManWarCon 2016 ở căn cứ quân sự lớn nhất Mỹ Fort Benning, Tập đoàn BAE Systems đã bất ngờ giới thiệu nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ M8 tới Quân đội Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên, M8 vốn là dự án tăng đã bị khai tử vào năm 1996.
Cơ bản thì nguyên mẫu mới này có hình dạng hệt như mẫu thử phát triển những năm 1990, tuy nhiên đã được bổ sung thêm module giáp gắn ngoài tháp pháo và thân xe.
Trong ảnh, nguyên mẫu xe tăng M8 của BAE System tại triển lãm ManWarCon 2016 với các module giáp phản ứng nổ lắp dọc hông xe và tháp pháo.
Dự án tăng hạng nhẹ M8 Buford được phát triển bởi United Defense Industries vào những năm 1980 nhằm giành được hợp đồng trong chương trình phát triển hệ thống pháo đổ bộ đường không (AGS) nhằm tìm kiếm mẫu xe tăng hạng nhẹ cho lực lượng lính dù. Năm 1996, nguyên mẫu XM8 giành thắng lợi trong chương AGS và nhận định danh chính thức là M8. Tuy nhiên, chương trình AGS ngay sau đó đã bị khai tử kéo theo cả dự án M8.
Năm 2005, tập đoàn BAE Systems có trụ sở ở Vương quốc Anh đã mua lại United Defense Industries (UDI) với giá 3,9 tỷ USD. Qua đó, các chương trình vũ khí của UDI gồm của M8 từ đó đều thuộc BAE Systems. Có vẻ như, sau sự thất bại của UDI, BAE đang nỗ lực đưa M8 tới Quân đội Mỹ hoặc tìm cho nó một chỗ đứng mới.
Xe tăng hạng nhẹ M8 có trọng lượng 23,58 tấn, dài 9,37m (gồm cả pháo), rộng 2,7m và cao 2,35m. Xe tăng trang bị lớp giáp hợp kim nhôm và thép, với phần giáp trước chống được đạn xuyên cỡ 30mm. Ngoài ra, có thể lắp thêm các module giáp gắn ngoài gồm cả giáp phản ứng nổ (ERA).
Chiếc xe tăng hạng nhẹ này được trang bị động cơ diesel tuabin tăng áp 6V-921A công suất 550 mã lực cho tốc độ tối đa 72,4km/h, tầm hoạt động 483km.
Hỏa lực của M8 gồm pháo chính ổn định toàn phần M68A1 105mm hoặc Rheinmetall XM35 với bộ nạp đạn tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự tăng M1A2 Abrams.
Rất ấn tượng là bộ nạp đạn tự động của M8 chứa được 19-21 viên cung cấp tốc độ bắn đến 12 phát/phút. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm người ta nghi ngờ về sự sống sót cho kíp lái nếu xe bị trúng đạn chống tăng khi mà khoang chứa đạn không ngăn cách hoàn toàn với kíp lái.
Chiến Xa