Xe tăng Karrar của Iran được các chuyên gia cho rằng có nhiều điểm tương đồng với T-90MS Nga về ngoại hình khiến không ít nghi ngờ rằng chúng được sao chép từ dòng xe tăng này.
Trong khi đó quân đội Iran cho biết, chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar do nước này nghiên cứu chế tạo có sức mạnh không hề thua kém xe tăng T-90MS của Nga.
Với mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước, nhiều nhà phân tích nêu ý kiến nhận định, rất có thể Nga đã lách luật cấm vận vũ khí từ Liên Hiệp Quốc để chuyển giao nguyên mẫu cũng nhu công nghệ để Tehran phát triển dòng xe tăng Karrar này.
Vì thế nhiều khả năng chiếc xe tăng hạng nặng Karrar mới nhất của họ có thể là mẫu copy tính năng từ xe tăng hiện đại T-90MS của Nga.
Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng Karrar đơn giản chỉ là phiên bản nâng cấp từ xe tăng T-72 lên chuẩn giống với T-90MS.
Về ngoại hình, xe tăng Karra giống T-90MS đến 90%, từ cách bố trí tháp pháo hình hộp chứa đạn phía sau, đến bố trí súng máy điều khiển tự động.
Giới chuyên gia nhận định, Karrar được trang bị những hệ thống chiến đấu cũng như giáp tiên tiến hiện nay của nền công nghiệp quốc phòng Iran.
Xe trang bị pháo chính cỡ nòng 125mm có thể phóng tên lửa qua nòng pháo.
Phiên bản xe tăng này cũng được trang bị súng máy phòng không điều khiển tự động hoàn toàn, giống như trên xe tăng T-90MS, và súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm hỏa lực mạnh mẽ.
Xe cũng được trang bị tổ hợp điều khiển hỏa lực Fotona EFCS3-55 do Slovenia chế tạo, trước đây được Iran mua cho các xe tăng khác của mình.
Việc hoàn thiện hệ thống điện tử được thực hiện bằng nguồn lực trong nước, điều này cho thấy sự cố gắng đáng nể của nền công nghiệp quốc phòng Iran.
Hệ thống điều khiển hỏa lực do Iran tự chế tạo cho phép khai thác được tiềm lực của khẩu pháo-ống phóng tên lửa của cỗ xe tăng này.
Theo các nguồn tin nước ngoài, chiếc xe tăng Iran có thể được trang bị động cơ diezel phiên bản nội địa B-84, với công suất 840 mã lực.
Trọng lượng chiến đấu ở mức 51 tấn, tương đương 16,5 mã lực/tấn. Vận tốc tối đa trên đường bằng là 65-70km/h.
Do công suất riêng thấp, có thể dẫn tới sự hạn chế về khả năng hoạt động của nó trên địa hình mấp mô.
Hiện Iran đang tìm cách trang bị cho xe tăng Karrar động cơ với công suất khoảng 1.000 mã lực nhằm tăng tính cơ động.
Được biết xe tăng Karrar đã được trình làng vào năm 2017 và từ đó tới nay Iran đã hoàn thiện và tiến tới đi vào sản xuất loạt trong năm vừa qua.
Với ưu thế hiện đại, hỏa lực mạnh, xe tăng Karrar được cho là một trong những đối thủ đáng gờm nếu phải đối đầu với chúng.
"Xe tăng Karrar có thể cạnh tranh với các loại tăng chiến đấu chủ lực tối tân trên thế giới ở ba yếu tố là hỏa lực, độ chính xác và khả năng cơ động, cũng như sự bền bỉ và khả năng bảo dưỡng trên chiến trường", Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan tuyên bố vào năm 2017.
Nhà máy chế tạo và đại tu xe tăng đang sản xuất nhiều xe tăng trong đó có Karrar được xây dựng với sự hỗ trợ từ Nga vào thập niên 1990.
Từ năm 1995, nhà máy này chủ yếu đảm nhận việc đại tu và hiện đại hóa các loại xe tăng cũ của Iran.
Hiện không rõ số lượng xe tăng Karrar đang được biên chế trong lục quân Iran.