Xe tăng M60 Patton 'lột xác' sánh ngang T-72B3 nhờ gói nâng cấp cực mạnh
Thị trường nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M60 Patton do Hoa Kỳ chế tạo đã đón chào một 'ông lớn' mới gia nhập.
Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M60 Patton đã được Mỹ chế tạo trong gần 3 thập kỷ, từ năm 1960 cho tới tận năm 1987 mới chấm dứt với tổng số hơn 15.000 xe xuất xưởng.Mặc dù đã lạc hậu nhưng vì số lượng rất lớn mà thị trường nâng cấp chúng được đánh giá là đầy tiềm năng, nhất là sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Học thuyết quân sự của nhiều nước đã thay đổi khi không còn chú trọng vào phát triển các dòng tăng mới nữa mà chỉ tập trung hiện đại hóa chúng lên các tiêu chuẩn cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời đại mới.
Đã có rất nhiều mẫu M60 hiện đại hóa được các nhà thầu quốc phòng tiếng tăm giới thiệu, tiêu biểu như M60-2000 của Tập đoàn General Dynamics, L3 Destroyer M60A3 của Raytheon, hay M60T Sabra do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Israel - IMI thực hiện.
Mới nhất, tại hội chợ triển lãm quân sự quốc tế Bahrain - BIDEC, Công ty quốc phòng khổng lồ của Ý là Leonardo đã mang tới một mẫu cải tiến M60A3 của chính mình nhằm mục đích chào hàng tới các đối tác.
Xe tăng M60A3 do Công ty Leonardo nâng cấp. Ảnh: Ria Novosti.
Xe tăng M60A3 do Leonardo tiến hành hiện đại hóa được bổ sung nhiều tấm giáp phụ composite bao quanh sườn se cũng như tháp pháo cho khả năng bảo vệ vượt trội, hình dáng bên ngoài của nó có nét gì đó tương đối giống M60T Sabra.
Chiếc MBT này còn được thay thế pháo chính M68 cỡ 105 mm bằng loại nòng trơn 120 mm uy lực hơn nhiều, đi kèm theo đó là hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với màn hình hiển thị rất “thời trang” có tác dụng giúp nâng cao độ chính xác của phát bắn. Bên cạnh đó có tin cho biết xe tăng còn được lắp đặt động cơ mới công suất lớn hơn.
Tập đoàn Leonardo khẳng định rằng họ làm chủ mọi công nghệ trên chiến M60A3 thế hệ mới này, từ hệ thống điện tử cho tới vũ khí, đối tác sẽ không phải băn khoăn nếu muốn được chuyển giao đầy đủ công nghệ vì không phải đàm phán với nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Họ thậm chí còn nhấn mạnh rằng gói nâng cấp này không hề tốn kém, ngoài những thay đổi cần thiết thì hầu hết các thành phần cơ bản của xe tăng M60 vẫn được giữ lại nguyên vẹn.
Điểm độc đáo khác của chiếc M60 này là nó sử dụng pháo chính 120 mm có chiều dài nòng gấp 45 lần đường kính (L45) chứ không phải L44 thông dụng. Đầu nòng có bộ phận che lửa kiêm giảm giật đặc biệt khiến cho xung lực tác dụng trở lại tháp pháo được tiết giảm đến mức tối đa.
Xe còn tích hợp cả súng máy hặng nặng điều khiển bắn từ bên trong, giúp xạ thủ không phải lộ diện ra ngoài trước làn hỏa lực đối phương, đồng thời độ chính xác của việc ngắm bắn qua thiết bị điện tử phụ trợ cũng chính xác hơn ngắm bắn thủ công nhiều lần.
Để bảo đảm độ tiện nghi cũng sự an toàn cho kíp chiến đấu, ngoài vỏ giáp phức hợp dạng module có độ bền cao, hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt xạ - sinh - hóa (NBC) hay hệ thống dập lửa tự động dĩ nhiên là thành phần không thể thiếu.
Quân đội Hoa Kỳ hiện đã loại bỏ hoàn toàn dòng xe tăng chiến đấu chủ lực M60 Patton từ sau chiến tranh vùng vịnh để chuyển sang sử dụng các biến thể M1 Abrams, tuy nhiên rất nhiều đồng minh của họ đang muốn mua lại số chiến xa này để tăng cường sức mạnh, chưa kể nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng M60 trong biên chế.
Chính vì vậy mà thị trường nâng cấp dành cho chiếc chiến xa trên được đánh giá cực kỳ tiềm năng, thậm chí không hề thua kém nếu so sánh với nhu cầu tương tự cho dòng T-72 của Nga.
Rất có thể trong tương lai không xa, bộ mặt binh chủng tăng thiết giáp của nhiều quân đội trên thế giới sẽ xuất hiện sự thay đổi rõ rệt, không phải vì được trang bị xe tăng sản xuất mới mà là các xe cũ đã tiến hành nâng cấp, hiện đại hóa sâu tới mức khó mà nhận ra hình dáng ban đầu của chúng. Gói hiện đại hóa này của Tập đoàn Leonardo đến từ Ý theo nhận xét sẽ giúp cho M60A3 sánh ngang T-72B3 của Nga.