Xe tăng, máy bay... di dời khỏi kinh thành Huế như thế nào?
Sau khi các vũ khí quân sự từng dùng trong chiến tranh được vận chuyển ra khỏi kinh thành Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế đang tìm phương án trưng bày các hiện vật này
Nhiều hiện vật là các vũ khí quân sự hạng nặng, gồm 6 chiếc xe tăng, 6 khẩu pháo tự hành, 4 máy bay cùng một số đuôi máy bay đã được di dời từ Quốc Tự Giám ở đường Hai Ba Tháng Tám (TP Huế) đến nơi trưng bày mới của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế nằm trên đường Điện Biên Phủ, TP Huế.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế ngày 12-5 xác nhận thông tin trên. Theo đó, các hiện vật trưng bày này đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế tiến hành tháo rời một số bộ phận cồng kềnh như cánh máy bay, sau đó dùng xe tải trọng lớn di chuyển theo đường bộ để đến vị trí mới. Việc di chuyển thực hiện sau 21 giờ để hạn chế tác động đến người đi đường.
Đây là những loại vũ khí quân sự, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ được Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam; vũ khí và phương tiện như máy bay Mig 21, các loại pháo do các nước viện trợ, được quân đội ta sử dụng để đánh bại quân đội Mỹ. Sau chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế thu thập, trưng bày suốt 44 năm ở khuôn viên di tích Quốc Tự Giám.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có khoảng 30.000 hiện vật. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết vị trí trưng bày ở đường Điện Biên Phủ nằm trong cụm di tích liên quan như đàn Nam Giao – núi Bân - tượng đài vua Quang Trung; nằm trên tuyến đường đi tham quan các lăng tẩm như Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định, Thiệu Trị... nên thuận lợi để tổ chức các tour tuyến tham quan.
Việc trưng bày các hiện vật sau khi đến địa điểm mới đang được đơn vị này tính toán hoàn chỉnh trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo lại các khối nhà hiện, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, lão thành cách mạng... nhằm đảm bảo phát huy được giá trị.
Việc tổ chức trưng bày không gian bảo tàng đòi hỏi chuyên môn sâu, trong đó sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo để có thể giảm thiểu bớt được đòi hỏi về không gian sử dụng, khai thác tối đa các giá trị văn hóa lịch sử của hiện vật.
Theo ông Lộc, không gian ngoài trời ở địa điểm mới cơ bản đáp ứng đủ việc trưng bày hiện vật. Việc trưng bày hiện vật sẽ được bảo tàng nghiên cứu, tính toán để khách tham quan được tiếp cận gần hơn, đảm bảo về mỹ quan cũng như diện tích trưng bày. Đồng thời, lập đề án sưu tầm thêm hiện vật để trưng bày khi đến nơi mới.