Xe tăng Nga vẫn bị tên lửa Javelin Ukraine đánh bại dù chúng đã được trang bị một lớp giáp lồng đặc biệt trên nóc xe, trước đó giới phân tích quân sự Nga cho rằng, giải pháp "đội mũ sắt" này sẽ giúp chúng an toàn trước đòn tấn công kiểu đột nóc.
Ngay những tháng cuối năm 2021, người ta bất ngờ khi thấy hàng loạt xe tăng của Nga được gắn thêm một lớp giáp lồng trên nóc.
Lớp giáp lồng đặc biệt này được ví như chiếc "mũ sắt" đối phó với máy bay không người lái (UAV) tự sát và các loại vũ khí khác tấn công vào nóc tháp pháo, điểm yếu nhất trên xe tăng.
Đây dường như là thử nghiệm mới của quân đội Nga dựa trên kinh nghiệm thu được từ xung đột giữa Armenia và Azerbaijan năm 2020.
Trong cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh, quân đội Azerbaijan nhiều lần dùng UAV tự sát lao từ trên xuống nóc tháp pháo, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng tăng thiết giáp của quân đội Armenia.
"Giáp lồng hoặc tấm chắn trên nóc tháp pháo của xe tăng Nga là cấu trúc đơn giản nhằm bảo vệ chúng trước đòn tấn công từ bên trên", biên tập viên Thomas Newdick của Drive từng cho biết.
Một số chuyên gia từng nhận định giáp lồng trên nóc xe tăng Nga còn để đối phó đe dọa từ các loại tên lửa chống tăng dẫn đường tiên tiến có khả năng "đột nóc" xe tăng, như mẫu FGM-148 Javelin đang có trong biên chế quân đội Ukraine.
Giới phân tích quân sự còn cho rằng, giáp lồng không thể ngăn hoàn toàn tên lửa Javelin, song có thể giảm xác suất diệt mục tiêu của vũ khí này.
Tuy nhiên khi bước vào cuộc xung đột Nga-Ukraine khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt với lý do phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước làng giềng thì mọi nhận định về giáp lồng cho nóc xe tăng đã thay đổi.
Rất nhiều xe tăng của Nga dù trang bị giáp lồng trên nóc đã không sống sót được trước đòn tấn công của tên lửa Javelin từ Ukraine.
Không hiếm thấy các hình ảnh xe tăng Nga dù có giáp lồng trên nóc xe vẫn bị đánh bật tung tháp pháo ra như thế này tại chiến trường Ukraine.
Có lẽ đối đầu với tên lửa chống tăng hiện đại như Javelin được Mỹ viện trợ cho Ukraine thì giải pháp giáp lồng trên nóc cho xe tăng vẫn là chưa đủ.
Ngoài ra, triết lý thiết kế đặt kho đạn pháo trong xe tăng của Nga kế thừa từ Liên Xô được cho là nguyên nhân khiến cho xe tăng bị phá hủy khủng khiếp hơn mỗi khi trúng tên lửa chống tăng.
Bởi nó có thể kích nổ kho đạn pháo trong thân xe, khiến cho một vụ nổ cực mạnh có thể xé toạc toàn bộ chiếc xe tăng dù chúng được thiết kế với lớp thép chắc chắn.
Giới quan sát cho biết, dù Nga đã thiệt hại lớn trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, tuy nhiên họ vẫn trên đà tiến quân vây chặt quân Ukraine tại các thành phố lớn.
Với ưu thế về hỏa lực và quân số, quân đội Nga đang tiến sát tới thủ đô Kiev bất chấp sự kháng cự mãnh liệt của quân đội Ukraine.
Những thông tin chiến trường mới nhất cho thấy, quân đội Nga dường như đang tập hợp lại để tấn công thủ đô Kiev khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng đất nước của ông đã đạt đến “bước ngoặt chiến lược” trong cuộc xung đột.
Việt Hùng