Xe tăng phương Tây: Từ hy vọng xoay chuyển cục diện đến vực thẳm bế tắc
Truyền thông New Zealand nhận định rằng, xe tăng phương Tây mất tích trên chiến trường Ukraine, NATO hiện nay chủ yếu là cung cấp xe bọc thép cho Kiev.
Sự thất thế của xe tăng phương Tây ở Ukraine
Tờ Neue Zurcher Zeitung (NZZ) của Thụy Sĩ bình luận, mới chỉ một năm trước đây, phương Tây tuyên bố việc cung cấp xe tăng Leopard-2, M1 Abrams và Challenger 2 hiện đại cho Kiev là thời điểm quan trọng có thể đóng góp quyết định vào cuộc “phản công mùa hè” của Lực lượng Vũ trang Ukraine và có thể xoay chuyển cục diện xung đột với Nga.
Nhưng niềm tin này đã không được đền đáp, sau khi chịu tổn thất nặng nề, cuộc tấn công của Ukraine đã thất bại.
Theo dữ liệu không thể chối cãi của blog quân sự Hà Lan Oryx, trong số 73 xe tăng Leopard các loại, hơn một nửa hiện đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc bị bỏ rơi, trong đó có ít nhất là 11 trong tổng số 21 xe tăng Leopard 2A6, phiên bản hiện đại nhất của chúng, đã trở thành đống sắt vụn.
Tỷ lệ tổn thất cao phần lớn là do cách người Ukraine sử dụng xe tăng phương Tây mà điển hình là Leopard 2 ở cuộc phản công vào làng Rabotino, vùng Orikhiv, tỉnh Zaporozhye hồi tháng 6 năm ngoái..
Các xe tăng phương Tây chỉ đạt được hiệu quả chiến đấu tối đa khi được sử dụng cùng nhau trong một đội hình tấn công cơ giới hóa, nhưng Quân đội Ukraine thường sử dụng chúng theo cách riêng lẻ, hoàn toàn để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh và không sử dụng tốc độ cao (lên tới 70 km/h).
Điều này khiến xe tăng Leopard dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là vì chiến trường Ukraine hiện bị thống trị bởi một số lượng lớn máy bay không người lái nhỏ có thể nhanh chóng phát hiện những chiếc xe tăng này và nhắm mục tiêu vào chúng bằng các quả đạn mang theo hoặc hành động tấn công cảm tử.
Ngoài ra, xe tăng dù có lớp giáp dày hơn xe bọc thép những chúng cũng không thể vượt qua được bãi mìn và chướng ngại vật chống tăng. Bị đánh hỏng hoặc phải đi chậm lại bởi mìn, hào rộng và tuyến răng rồng (kim tự tháp bê tông cao tới cả mét), chúng trở thành con mồi dễ dàng cho vũ khí chống tăng Nga.
Sự lên ngôi của các xe bọc thép cơ động cao
Hiện nay, một tình huống khó khăn đối với Kiev và phương Tây đã phát triển ở mặt trận, khi các Lực lượng Vũ trang Nga đã giành được thế chủ động tấn công, đẩy Quân đội Ukraine một lần nữa vào thế phòng thủ bị động, dẫn đến sự thay đổi trong nhu cầu trang bị.
Trên chiến trường Ukraine hiện nay, không phải xe tăng mà là các phương tiện chiến đấu bọc thép nhẹ hơn, có tốc độ nhanh hơn, khả năng cơ động linh hoạt tốt hơn, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Mỹ, trở nên quan trọng hơn nhiều đối với các binh sĩ của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Nhẹ hơn khoảng ba lần so với xe tăng phương Tây, Bradley được coi là khá nhanh, cơ động và được bảo vệ khá tốt, nhưng xe Bradley được quân đội Ukraine ưa chuộng vì hai lý do chính sau:
Đầu tiên là việc sử dụng ồ ạt các máy bay không người lái cỡ nhỏ trên chiến trường đã khiến binh sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển ra vào tiền tuyến.
Một chiếc xe tăng sẽ không thể thoát chết nếu bị một máy bay không người lái chiến đấu phát hiện bởi nó quá chậm chạm và cồng kềnh, hơn nữa, kích thước lớn nên khó có chỗ nào trên chiến trường để nó có thể ngụy trang trốn thoát.
Thứ hai là các cuộc tấn công bằng pháo binh ồ ạt của quân Nga cũng khiến việc chuyển quân trên chiến trường trở nên nguy hiểm nên việc vận chuyển binh sĩ ra chiến trường cần phải cực kỳ nhanh và dễ lẩn trốn.
Ngoài tổ lái ba người, BMP có thể vận chuyển tối đa bảy lính bộ binh ra chiến trường dưới lớp áo giáp bảo vệ. Khi bị máy bay không người lái phát hiện, chiếc xe có thể tăng tốc cơ động lẩn tránh, ẩn nấp hay sử dụng vũ khí của nó và bộ binh đến chống trả.
Binh sĩ NATO sẽ trực tiếp ra chiến trường?
Là một phần của gói viện trợ mới nhất, Mỹ thông báo sẽ gửi thêm khoảng 100 chiếc M2 Bradley tới Ukraine.
Tuy nhiên, theo Oryx, trong số khoảng 200 chiếc Bradley được giao vào năm 2023, ít nhất 79 chiếc hiện đã bị quân đội Ukraine phá hủy, hư hỏng hoặc bỏ rơi, trở thành chiến tích của quân đội Nga.
Việc giao xe bọc thép mới của Mỹ được các đồng minh NATO hưởng ứng với khả năng tốt nhất của họ, ví dụ như trong gói “viện trợ” mới nhất cho chính quyền Kiev, 10 xe chiến đấu bộ binh Marder đã được Đức chuyển sang Ukraine và Berlin cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp loại xe này.
Ngoài Mỹ, Đức, Vương quốc Anh cũng cam kết trong tương lai gần sẽ chuyển giao cho Lực lượng Lục quân Ukraine tới 162 xe bọc thép (rất có thể, đây sẽ là những chiếc Scimitar Mk.2 đã ngừng hoạt động từ lâu, nhưng hiện đã được lôi ra khỏi kho và khôi phục hoạt động).
Điểm sau đây cũng thu hút sự chú ý là các phương tiện truyền thông phương Tây khi đưa tin về nguồn cung cấp xe bọc thép mới cho Kiev, vẫn hoàn toàn im lặng về việc ai sẽ kiểm soát những phương tiện chiến đấu này, bởi các quân nhân Ukraine không được huấn luyện trên diện rộng để sử dụng những chiếc xe này..
Có vẻ như sứ mệnh cung cấp các tấm “bia đỡ đạn” mới của Ukraine đến chiến trường một cách “an toàn hơn” sẽ chủ yếu được giao cho quân nhân của các nước NATO, những người đã quen thuộc với phương thức điều khiển những phương tiện kỹ thuật đa dạng này.
Câu hỏi duy nhất còn lại cho đến nay là liệu những quân nhân này có tiếp tục được được giới lãnh đạo và truyền thông phương Tây gọi là “tình nguyện viên” (về cơ bản là lính đánh thuê) hay không, hay liệu NATO sẽ quyết định công khai thừa nhận sự tham gia của huấn luyện viên quân sự khối này trong cuộc chiến với Nga?