Vài tháng trước, Thụy Điển đã viện trợ cho Ukraine một số xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Strv 122; đây là một phiên bản nâng cấp của xe tăng Leopard 2A5 của Đức. Với sự giúp đỡ của Mỹ và các nước phương Tây, Kiev có kế hoạch bù đắp những tổn thất phát sinh và khôi phục hoạt động của các đơn vị xe tăng.
Vào ngày 10/7, một đoạn video ngắn xuất hiện trên các nguồn tin Ukraine, cho thấy những chiếc Strv 122 của Thụy Điển. Chúng có thể nhận biết qua các đường viền đặc trưng của thân xe và tháp pháo, cũng như một số yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, Strv 122 sử dụng lưới ngụy trang Barracuda; trang bị này đặc trưng cho Leopards 2A5, ở phiên bản dành cho Thụy Điển.
Vào ngày 23/9, tờ Forbes của Mỹ cho biết, quân đội Nga đã tiêu diệt cùng lúc 2 xe tăng Stridsvagn 122 bằng UAV tự sát. Như vậy Quân đội Ukraine đã mất 1/5 số xe tăng Stridsvagn 122 (2/10 chiếc) mà Thụy Điển viện trợ trong một trận đánh. “Hóa ra, xe tăng Thụy Điển không đáng tin cậy đến thế”; Forbes viết.
Về nguồn gốc của xe tăng Stridsvagn 122 (Strv 122). Vào đầu những năm 1990, quân đội Thụy Điển quyết định từ bỏ việc phát triển MBT của riêng mình và mua xe tăng của nước ngoài. Một cuộc đấu thầu công khai đã được tổ chức, người chiến thắng là xe tăng Leopard 2A5 của Đức. Năm 1994, hợp đồng đã được ký kết.
Ở giai đoạn đầu tiên, Thụy Điển, nhận được 160 chiếc Leopard phiên bản 2A4 có sẵn từ Đức và số 2A4 biên chế trong quân đội Thụy Điển với tên gọi Strv 121. Đồng thời, Đức đưa phiên bản Leopard 2A5, được nâng cấp theo yêu cầu của Thụy Điển có tên gọi Strv 122. Thụy Điển đặt mua 120 chiếc xe tăng này.
Theo các điều khoản của hợp đồng, 29 xe tăng đầu tiên của mẫu Strv 122 đã được lắp ráp tại nhà máy Krauss-Maffei Wegmann ở Đức. Sau đó, việc sản xuất Strv 122được chuyển sang Thụy Điển cho các doanh nghiệp quốc phòng của Bofors và Hägglunds.
Quá trình lắp ráp Strv 122 tiếp tục cho đến năm 2002. Sau khi nhận được tất cả các xe tăng mẫu mới mong muốn, quân đội Thụy Điển bắt đầu ngừng hoạt động và trả lại những chiếc Strv 121 đã nhận trước đó cho Đức. Đến cuối những năm 2005, chỉ còn những xe tăng Strv 122 trong Quân đội Thụy Điển.
Trong quá trình phục vụ, Strv 122 đã được nâng cấp nhiều lần. Vào đầu thập niên 2010, một phần Strv 122 đã bắt đầu được nâng cấp theo dự án Strv 122B, nhằm cải thiện khả năng bảo vệ của xe trước bom mìn và những mối đe dọa khác; nhất là bom tự chế ven đường.
Ngoài ra, để sử dụng Strv 122 ở nước ngoài với tư cách là thành viên của các nhóm quốc tế, nó đã được nâng cấp các phương tiện liên lạc và hệ thống chỉ huy mới tương thích với NATO. Strv 122 cũng được sửa đổi để sử dụng ở vùng có khí hậu nóng.
MBT Strv122 là phiên bản nâng cấp từ Leopard 2A5 theo yêu cầu đặc biệt của lục quân Thụy Điển. Strv 122 giữ lại kiến trúc tổng thể, nhưng sử dụng những công nghệ mới nhất; trong đó đặc biết chú ý đến vấn đề cải thiện các đặc tính chiến đấu chính - phòng thủ và hiệu quả hỏa lực.
Ở phiên bản Strv 122 ban đầu, giáp bảo vệ của bán cầu trước của xe kết hợp với các thành phần vonfram, gốm và nhựa. Theo thông tin công khai cho thấy, mức độ bảo vệ của Strv 122 đã tăng lên so với Leopard 2A5 ban đầu, nhưng các đặc điểm chính xác không được nêu rõ.
Trong phiên bản nâng cấp tiếp theo (Strv 122B), lớp giáp bổ sung được bố trí thêm ở phía dưới, để bảo vệ kíp xe và các phần quan trong của xe trước tác động của mìn. Ngoài ra, Strv 122B còn sử dụng lớp lưới ngụy trang Barracuda, giúp giảm khả năng quan sát bằng khí tài quang học và giảm tín hiệu hồng ngoại của xe tăng.
Vũ khí trang bị của Strv 122 nhìn chung tương ứng với Leopard 2 nguyên bản. Pháo chính 120 mm của Rheinmetall, có chiều dài nòng bằng 44 lần đường kính đạn vẫn được giữ nguyên; đạn pháo vẫn được đặt ở thân xe và khoang chứa đạn ở phía sau tháp pháo.
Về vũ khí phụ, có súng máy đồng trục với pháo chính và súng máy phòng không loại Ksp m / 94 (tên gọi của Thụy Điển cho MG3 của Đức) và ống phóng lựu khói GALIX do Pháp sản xuất, được trang bị trên xe.
Đối với Strv 122, một hệ thống điều khiển hỏa lực mới đã được phát triển, có tính năng vượt trội hơn so với phiên bản Leopard 2A5 và được đánh giá là tiên tiến nhất vào thời điểm đó; nhờ đó, pháo thủ có thể nhanh chóng phát hiện, khóa mục tiêu và bắn.
Phiên bản MBT Strv 122 của lục quân của Thụy Điển được phát triển trên nền tảng Leopard 2A5 mới nhất vào thời điểm đó. Những công nghệ hiện đại nhất đã được áp dung, để nâng cao các đặc tính chiến đấu cơ bản. Do đó, Strv 122 đã vượt qua tính năng của Leopard 2A5 và thậm chí có thể được so sánh với phiên bản tiếp theo là 2A6.
Từ góc độ kỹ thuật, Stridsvagn 122 và những phiên bản nâng cấp sau này, trở thành một loại xe tăng chiến đấu chủ lực hoàn toàn hiện đại với hiệu suất khá cao; có thể giải quyết một loạt các nhiệm vụ. Tuy nhiên, chiến trường Ukraine cũng là nơi chôn vùi danh tiếng của tất cả các loại MBT hiện đại của cả Nga và phương Tây.
Mối đe dọa đầu tiên đối với Strv 122 trên chiến trường Ukraine sẽ là các bãi mìn của Nga. Phiên bản Strv 122 có tính năng chống mìn nâng cao, nhưng cũng chỉ có thể giúp bảo vệ kíp xe trước các vụ nổ mìn. Và khi trúng mìn, Strv 122 sẽ mất hoàn toàn tính cơ động, và trở thành mục tiêu dễ dàng cho bất kỳ hỏa lực chống tăng nào.
Mặc dù ở phiên bản Strv 122, Quân đội Thụy Điển đã yêu cầu tăng sức bảo vệ của giáp xe ở bán cầu trước; nhưng chiến trường Ukraine, hiếm có trận đấu tăng. Trong khi đó, mối đe dọa với xe tăng trên chiến trường Ukraine đến từ tất cả các hướng khác nhau. Đặc biệt là UAV tự sát Lancet của Nga.
Thực tế hiện nay, xe tăng Ukraine tham gia chiến đấu, sẽ không thể đến gần các vị trí phòng ngự của Quân đội Nga, nên cũng ở xa tầm bắn hiệu quả của các loại vũ khí hỏa lực chống tăng (trừ UAV tự sát). Trong trường hợp này, tính năng đột kích của xe tăng đối với cuộc tấn công sẽ giảm mạnh; đổi lại, đảm bảo an toàn cho kíp xe.
Việc xuất hiện những chiếc Strv 122 đã giúp mang lại sự “hưng phấn” nhất định đối với Quân đội Ukraine. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nó không có lợi thế, thậm chí phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Kết quả là, những chiếc MBT Strv 122 của Thụy Điển, đã lặp lại số phận của Leopard 2; bị tiêu diệt hoặc thậm chí có thể bị Nga thu giữ làm chiến lợi phẩm.
Tiến Minh (theo Forbes, Armyrecognition)