Xe tăng T-14 Armata đã 'trưởng thành'
Đại diện Tập đoàn Uralvagonzavod vừa tuyên bố, nguyên mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-14 Armata đã được khắc phục hoàn toàn các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại hay còn gọi với biệt danh là 'bệnh con trẻ' của các phương tiện kỹ thuật. Nó đã sẵn sàng để ra chiến trường và tiếp tục khẳng định thế mạnh về MBT do Nga chế tạo.
“Bệnh con trẻ”
Đối với bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào, việc phát triển từ đồ án thiết kế tới phiên bản hoàn chỉnh đều phải trải qua giai đoạn hoàn thiện kỹ thuật, sửa lỗi và tinh chỉnh phù hợp với nhu cầu người sử dụng. Đây được gọi là giai đoạn “bệnh con trẻ”.
Đối với T-14 Armata, dòng MBT được Nga thai nghén và phát triển từ năm 2010 và đưa ra nguyên mẫu vào năm 2014- đây là kết tinh các công nghệ tiên tiến nhất của lĩnh vực chế tạo xe tăng Nga và phần lớn trong số chúng lần đầu tiên được ứng dụng vào thực tế. Chính vì thế, không khó để hiểu tại sao T-14 Armata lại có thời gian “bệnh con trẻ” kéo dài tới gần 6 năm.
Xét về mặt kỹ-chiến thuật, T-14 Armata giống như một cỗ máy tính chiến đấu được đặt trong khung gầm bọc thép hạng nặng với hàng loạt thiết bị điện tử và cảm biến. Dòng xe tăng mới có nhiều chức năng tự động hóa giúp đơn giản hóa thao tác điều khiển của kíp điều khiển trên chiến trường. Hỏa lực mạnh kết hợp với hệ thống phòng thủ cứng và mềm giúp T-14 Armata vượt trội so với các dòng MBT hiện đại nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Đánh giá về T-14 Armata, chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky cho biết: “Chính vì mang nhiều công nghệ chưa từng có tiền lệ trong quá khứ, nên nguyên mẫu xe tăng T-14 cũng vấp phải hàng loạt vấn đề kỹ thuật khó khăn cần giải quyết để vượt qua giai đoạn “bệnh con trẻ”. Điều này giúp lý giải tại sao thời gian hoàn thiện công nghệ của dòng xe tăng này kéo dài tới 6 năm”.
Theo lời chuyên gia Victor Murakhovsky, khi giải quyết được các bài toán kỹ thuật trên xe tăng T-14 Armata, quân đội Nga đã có một phương tiện chiến đấu đáng tin cậy và rất mạnh mẽ. Trong đó đáng kể rất là phần động cơ và truyền động. MBT T-14 Armata có 2 chế độ hoạt động. Ở chế độ hành quân, động cơ được hoạt động tiết kiệm nhiên liệu giúp kéo dài hành trình. Trong khi đó, ở chế độ chiến đấu, tỷ số công suất được đẩy lên mức tối đa, giúp T-14 có khả năng cơ động và tăng tốc nhanh đáng kinh ngạc. Dải công suất của động cơ trang bị trên xe tăng T-14 là từ 1.200-1.800 mã lực giúp xe tăng có thể tăng tốc lên 90km/giờ trên địa hình dã chiến một cách dễ dàng và vẫn duy trì được dự trữ hành trình tới 500km. Một điểm đáng chú ý khác là toàn bộ thông số hoạt động của xe đều được cảm biến ghi nhận và thông báo lại cho kíp điều khiển để có phương án xử lý tối ưu.
Sức mạnh của phiên bản hoàn thiện
Chuyên gia Victor Murakhovsky cho biết, so với nguyên mẫu được giới thiệu trước đó, phiên bản hoàn thiện của xe tăng T-14 Armata có sự khác biệt đáng kể ở phần mềm điều khiển hỏa lực. Đây được coi là hệ thống phức tạp và đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong tác chiến của xe tăng.
Pháo chính và súng máy trên MBT T-14 Armata được tự động hóa hoàn toàn. Các tham số chiến đấu như: Tầm và hướng của mục tiêu; hướng gió, độ ẩm không khí và cả độ biến dạng của nòng pháo qua mỗi phát bắn được ghi nhận bởi hệ thống cảm biến trên xe. Các thông tin này sau đó được chuyển tới máy tính đạn đạo xử lý để đưa ra phương án khai hỏa tối ưu.
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao này, nhiều phương tiện kỹ thuật trang bị trên MBT T-14 Armata cũng cần thời gian phát triển. chuyên gia Victor Murakhovsky tiết lộ, đáp ứng yêu cầu tác chiến của giới chức quân đội Nga, Uralvagonzavod phải tìm kiếm đơn vị phát triển thiết bị quan sát quang-ảnh nhiệt mới. Quá trình này cũng mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó, nhiều thiết bị khác trang bị trên dòng xe tăng thế hệ mới cũng được phát triển từ đầu.
Một điểm đáng chú ý khác là, khung gầm MBT T-14 Armata được thiết kế để lắp được pháo chính cỡ 152mm. Với pháo chính mới, uy lực của xe tăng T-14 đủ để thổi bay bất kỳ trong xe tăng hiện đại nào trong tầm bắn tới 4km, cũng như ứng dụng nhiều loại đạn tên lửa bắn qua nòng pháo chính với độ chính xác cao.
Tiếp tục khẳng định sự dẫn đầu của Nga trong lĩnh vực MBT
Quá trình phát triển MBT T-14 Armata được ứng dụng rất nhiều kinh nghiệm được rút ra từ nguyên mẫu kỹ thuật Object-195 do Cục Thiết kế phương tiện kỹ thuật Ural thực hiện từ đầu những năm 1990. Chương trình này đã giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển xe tăng mới. Chuyên gia Victor Murakhovsky cho biết, nếu thiếu chương trình Object-195, nhiều khả năng MBT T-14 Armata hiện tại vẫn chỉ là đồ án nằm trên giấy hay đang ở giai đoạn nguyên mẫu.
Trong thực tế, quá trình phát triển các phương tiện quân sự, trong đó có xe tăng cần thời gian hàng chục năm tích lũy thử nghiệm và công nghệ. Điều này từng được chứng minh trong Thế chiến 2, khi cả bộ máy công nghiệp của Liên Xô được huy động cho chiến tranh thì xe tăng T-34 dù được phác thảo từ đầu những năm 1930, nhưng tới tận năm 1944 mới có phiên bản hoàn thiện cuối cùng.
Người Mỹ cũng mất tới 15 năm để phát triển dòng xe tăng M1 Abrams. Tuy nhiên, dòng MBT này không phải là một sản phẩm hoàn thiện hoàn toàn. Động cơ turbin khí tuy cung cấp công suất lớn, nhưng cần rất nhiều nhiên liệu. Điều này khiến tầm hoạt động của nó chỉ giới hạn ở 200km, cũng như tạo gánh nặng rất lớn lên công tác hậu cần trên chiến trường. Một ví dụ khác là dòng MBT đắt giá Leclerc của Pháp. Nó được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra sự thiếu tin cậy và hàng loạt vấn đề kỹ thuật kể cả khi dòng MBT đã được đưa vào trang bị chiến đấu.
MBT T-14 Armata không vấp phải những vấn đề trên. Nó là dòng xe tăng hoàn toàn mới, không hề có tiền lệ ở nơi khác trên thế giới. Chính vì không có thước đo để tham chiếu, Nga đã vượt qua nhiều giới hạn kỹ thuật để tạo ra MBT T-14 từ con số không. Nó là sự kết hợp giữa truyền thống chế tạo xe tăng danh tiếng của Liên Xô, Nga và công nghệ mới. Chính vì thế, dòng MBT này sẽ không có đối thủ ít nhất trong thập niên tới.