Là một chiến xa hàng đầu trên thế giới hiện nay, không chỉ sở hữu hỏa lực mạnh, giáp bảo vệ tốt và khả năng tác chiến cao, xe tăng T-90S/SK Việt Nam thậm chí còn có cả khả năng phòng không rất tốt.
Với mục tiêu hiện đại hóa Lục quân với nòng cốt là lực lượng Tăng thiết giáp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tác chiến chiến tranh thời đại mới, năm 2016, Quân đội ta đã ký hợp đồng mua mới 64 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK để tăng cường sức mạnh cũng như thay thế cho một số xe tăng cũ đã quá lỗi thời, không còn đảm bảo tính năng kỹ thuật đề ra. Đến năm 2019, toàn bộ số xe trên đã được phía đối tác bàn giao đầy đủ, biên chế về cho đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Xe tăng T-90S/SK Việt Nam tại nhà kho đơn vị.
Xe tăng T-90S là phiên bản xuất khẩu của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A nổi tiếng - thiết kế xe tăng đầu tiên của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Về tính năng của T-90A thì không cần phải chứng minh gì nhiều qua những màn thể hiện không thể thuyết phục hơn của nó tại chiến trường Syria và gần đây nhất là chiến trường Nagorno-Karabakh. T-90A cho thấy sự "lì đòn" vô cùng ghê gớm trước các loại tên lửa chống tăng và khả năng hoạt động vô cùng tuyệt vời. Ảnh: Xe tăng T-90S/SK Việt Nam trong quá trình thử nghiệm tại nhà máy.
Xe tăng là "nắm đấm thép" chủ lực trên chiến trường, với hỏa lực mạnh có thể tiêu diệt các loại công sự kiên cố của đối phương cũng như các cụm hỏa lực chống cự, các loại tăng thiết giáp kẻ thù. Dù vậy, xe tăng lại có khả năng chống lại các mối đe dọa từ trên không khá kém khi chỉ có thể dựa vào súng máy phòng không hạng nặng 12.7mm điều khiển thủ công vốn có năng lực hạn chế.
Tuy vậy, xe tăng T-90S/SK Việt Nam không chỉ hội tụ những ưu điểm như hỏa lực mạnh bởi pháo chính 2A46M cỡ 125mm cực kỳ uy lực, lớp giáp dày cùng sự bổ sung giáp phản ứng nổ thế hệ 2 tiên tiến Kontakt - 5 của Nga và hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1M với đặc trưng là cặp đèn nhiễu OTShU-1-7M thì nó còn có một phòng không chống mục tiêu bay tầm thấp vô cùng đáng gờm, có thể tự bảo vệ mình trong một số trường hợp thiếu thốn ô phòng không lục quân. Ảnh: Cận cảnh giáp trước của xe tăng T-90S/SK Việt Nam
Trước hết, nhiệm vụ phòng không chuyên biệt của xe tăng T-90S/SK là bệ súng máy phòng không 12.7mm KORD. Khác với các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực cũ hơn như T-54/55, T-62 hay T-72 vốn sử dụng súng máy phòng không 12.7mm điều khiển thủ công, xạ thủ phải trực tiếp chui ra khỏi xe để tác xạ, điều này dễ khiến người lính tổn thương trước các loại hỏa lực không đáng có trên chiến trường thì trên T-90S, súng máy đã có thể điều khiển từ trong xe, đảm bảo tính an toàn cao cho người bắn mà người được nhận nhiệm vụ này là trưởng xa. Ảnh: Cận cảnh bệ súng máy phòng không 12.7mm trên xe tăng T-90A.
Thiết kế bệ súng máy này được người Nga kế thừa trên xe tăng T-64 “Quốc bảo” của Liên Xô trước đây. Để có thể quan sát được mục tiêu, trưởng xa ngoài kính ngắm trưởng xa truyền thống còn được bổ sung thêm một kính ngắm phòng không cho việc nâng cao khả năng phát hiện, cùng với đó là các loại kính ngắm của pháo thủ như kính ngắm thủ công và kính ngắm đa kênh ESSA có thể hỗ trợ cung cấp tham số mục tiêu cho chỉ huy. Ảnh: Cận cảnh tháp súng 12.7mm trên xe tăng T-90A.
Súng máy KORD sử dụng cỡ đạn 12.7x108mm được thiết kế chế tạo bởi LB Nga cho nhiệm vụ tấn công các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ, tiêu diệt sinh mạng nhân lực đối phương trong phạm vi tới 2.000m và với mục tiêu bay thấp phạm vi tới 1.500m. Tốc độ bắn 600 - 750 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 820 - 860m/s, có thể nhanh chóng thay đổi nòng súng trên chiến trường. Đây là một mẫu súng máy mới được dựa trên mẫu súng NSV nổi tiếng của Liên Xô do sau khi Liên bang này sụp đổ, bản quyền sản xuất của súng thuộc về Kazakhstan khiến Nga phải tự làm cho mình một thiết kế mới. Ảnh: Súng máy KORD trên xe thiết giáp.
Ngoài ra, vũ khí chống mục tiêu bay mạnh mẽ nhất của T-90S/SK không phải là súng máy phòng không mà là tên lửa chống tăng (ATGM) có điều khiển 9M119M Refleks-M có thể phóng qua từ nòng pháo chính 2A46M cỡ 125mm. Tên lửa sử dụng nguyên lý lái bám chumg laser có thể điều khiển, sử dụng đầu đạn nổ lõm kép với vận tốc bay 800m/s, tầm bắn tối đa lên tới 5.000m. Ảnh: Đạn tên lửa 9M119M của Việt Nam cho nhiệm vụ huấn luyện.
Đây là một loại vũ khí tuyệt vời với xác suất đánh trúng mục tiêu vẫn là 80% ở khoảng cách tấn công tối đa 5.000m, nặng 24kg, chứa liều nổ 4.5kg. Khả năng có thể xuyên tới 700 - 750mm thép cán đồng nhất (RHA) hoặc 650 - 700mm thép cán đồng nhất (RHA) phía sau giáp phản ứng nổ (ERA). Đây là sức mạnh cực kỳ ghê gớm có thể hạ gục cả những loại xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới hiện nay chỉ với một phát bắn. Ảnh: Sơ đồ trực quan về tên lửa 9M119M trong nòng pháo.
9M119M có khả năng tiêu diệt các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, phương tiện bọc thép, công sự kiên cố của đối phương và đặc biệt là có thể tấn công cả trực thăng bay thấp và máy bay không người lái (UAV) nếu trong phạm vi tác chiến của nó. Với những tính năng tuyệt vời như vậy nên giá thành của một quả đạn cũng là không hề rẻ, giá niêm yết năm 2019 của 9M119M rơi vào khoảng 37.500 USD. Hiện nó đang được trang bị cho các loại xe tăng hiện đại như T-80, T-90 và cả T-84 Oplot của Ukraine. Ảnh: Đạn tên lửa chống tăng 9M119 của Belarus.
Có thể thấy, khả năng phòng không tầm thấp trong phạm vi 5.000m trở xuống của xe tăng T-90S/SK Việt Nam là rất ấn tượng, ở khoảng cách này, bất cứ một mục tiêu bay thấp nào cũng đều bị đe dọa. Với tháp súng máy phòng không 12.7mm thiết kế có thể tác xạ từ bên trong giúp tăng khả năng tác xạ chính xác mục tiêu lên cao hơn nhiều so với truyền thống bởi sự kết hợp hỗ trợ của các loại kính ngắm cùng với đó là tên lửa chống tăng bắn qua nòng lợi hại. Ảnh: Cận cảnh kính ngắm pháo thủ trên xe tăng T-90S, phía sau là kính ngắm đa kênh ESSA.
Video Xe tăng T-90, hệ thống tên lửa phòng không Spyder Việt Nam xuất hiện trên truyền hình - Nguồn: QPVN