Trong khu vực bán đảo Đông Dương hiện nay đang có sự hiện diện của hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực vô cùng mạnh mẽ xuất xứ từ Nga đó là T-72B1MS của Lào và T-90S/SK của Việt Nam. Vậy khi đặt lên bàn cân hai loại xe này, chiếc nào sẽ mạnh mẽ hơn?
Đầu năm 2019, các xe tăng T-72B1MS của lục quân Lào đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng nằm ở miền trung Việt Nam đánh dấu lần đầu tiên quân đội Lào đưa vào biên chế loại xe tăng vô cùng hiện đại này, là nước đầu tiên ở bán đảo Đông Dương đưa vào trang bị xe tăng T-72. Các xe tăng này sau đó đã được vận chuyển về Lào qua đường bộ. Ảnh: Bốc dỡ T-72B1MS của Lào ở cảng Tiên Sa.
Sau đó không lâu, Việt Nam cũng chính thức tiếp nhận loạt 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK, các xe tăng này được biên chế về cho lữ đoàn tăng thiết giáp 201 bảo vệ thủ đô Hà Nội. Ảnh: Xe tăng T-90 Việt Nam trong trạng thái niêm phong bảo quản.
Không thể phủ nhận, T-72B1MS và T-90S/SK chính là hai mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại và mạnh mẽ nhất bán đảo Đông Dương cũng như TOP trong khu vực. Vậy trong hai loại xe tăng này, loại nào mạnh mẽ hơn ?
Đầu tiên chúng ta sẽ xét về bề ngoài. T-72B1MS là loại xe tăng tân trang lại từ các xe T-72B trong kho dự trữ của Nga, nó cũng sử dụng loại giáp phản ứng nổ Kontakt-1 - Thế hệ ERA đầu tiên của Liên Xô phát triển cho xe tăng. Miếng giáp có sức bảo vệ tương đương 400mm thép cán đồng nhất (RHA), tuy nhiên do sử dụng các khối nổ 4S20 có độ nhạy cảm thấp nên gần như vô dụng đối với đạn xuyên động năng. Mặc dù vậy, mức độ bao phủ bởi ERA trên T-72B1MS của Lào lại cao hơn trên T-90S/SK của Việt Nam. Ảnh: Tháo dỡ các xe tăng T-72 của Lào trên xe vận tải.
Ngoài ra, xe tăng T-72B1MS của Lào còn được trang bị một động cơ phụ trợ APU giúp xe hoạt động hệ thống điện, điều hòa,.. trong xe mà không cần khởi động máy chính, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng tính ngụy trang trên chiến trường khi xe đang nằm ẩn mình săn mồi. Động cơ điện phụ trợ (APU) này đã xuất hiện ở các xe tăng hiện đại nhất của Nga hiện nay và cả trên các xe T-90S/SK của Iraq mua từ Nga tuy nhiên xe tăng T-90S/SK của Việt Nam thì không có hệ thống này. Ảnh: Cận cảnh động cơ phụ trợ APU ở xe tăng T-72B1MS nằm ở đuôi phía bên trái của xe.
Tuy nhiên, hệ thống bảo vệ của T-90S/SK Việt Nam lại tốt hơn xe tăng của Lào rất nhiều khi sử dụng loại giáp phản ứng nổ Kontakt-5 hiện đại, là giáp phản ứng nổ thế hệ 2 do Liên Xô phát triển, sử dụng các khối nổ 4S22 cực mạnh. Giáp Kontakt-5 chính thức được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô từ giữa những năm 1980 trên các xe T-72B cải tiến, T-80 và T-90. Ảnh: Cận cảnh xe tăng T-90 Việt Nam.
Ngoài ra xe tăng T-90 Việt Nam còn được trang bị một khí tài được biệt là cặp đèn nhiễu OTShU 7-1 M nâng cấp, có khả năng làm nhiễu, gây mất kiểm soát các loại tên lửa chống tăng thế hệ 1 và 2 tấn công xe tăng khiến chúng bay chệch mục tiêu. Ảnh: Chuyên gia Nga đang thuyết trình về các bộ phận của T-90 cho bộ đội Việt Nam.
Về vị trí buồng lái, rất buồn là buồng lái T-72B1MS hiện đại vượt trội xe với xe tăng T-90S/SK của Việt Nam và gần như tiệm cận với xe tăng T-90M nâng cấp của Nga. Nó sử dụng các màn hình LED hiển thị thông số tình trạng của xe thay vì các đồng hồ cơ truyền thống. Ảnh: Bên trong vị trí lái xe của T-72 Lào.
Trong khi đó, buồng lái của xe tăng T-90 Việt Nam vẫn đậm dáng dấp Liên Xô khi sử dụng rất nhiều các đồng hồ cơ thể hiện thông số tình trạng xe, sử dụng hộp số sàn kiểu cũ và đặc biệt là dù có hệ thống điều hòa không khí nhưng lái xe vẫn được trang bị một chiếc quạt tai voi huyền thoại để làm mát. Ảnh: Bên trong vị trí lái xe của T-90 Việt Nam.
Xe tăng T-72B1MS đã được trang bị hộp số tự động kiểu mới vô cùng hiện đại, cộng thêm với đó là camera lùi, giúp xe có thể lùi tiến dễ dàng quan sát đằng sau mà không cần hoa tiêu như trên T-90 Việt Nam. Ảnh: Hộp số tự động của T-72 Lào.
Ảnh: Hộp số sàn trên xe tăng T-90S đậm chất Liên Xô cùng rất nhiều đồng hồ và dây điện loằng ngoằng.
Một điểm thua thiệt nữa của T-90 Việt Nam so với T-72 Lào là tầm quan sát, khi các xe tăng Lào được trang bị hệ thống kính ngắm toàn cảnh mà các xe tăng Việt Nam không có. Ảnh trực quan cho ta thấy tầm nhìn của xe T-90S vô cùng hạn chế với nhiều điểm mù, nhất là phần đuôi xe trong khi xe tăng T-90 nâng cấp được trang bị kính ngắm toàn cảnh có tầm nhìn rất rộng và điểm mù rất ít, tương tự trên T-72 của Lào. Ngoài ra, kính ngắm toàn cảnh còn được tích hợp luôn cả hệ thống kính ngắm ảnh nhiệt và đo xa laser.
Hệ thống kiểm soát hỏa lực của trưởng xa trên T-72B1MS cũng vượt trội hơn trên T-90S/SK và khá tương đồng với T-90M hiện đại nhất của Nga hiện nay khi trưởng xa có thể cung cấp góc tầm, góc hướng chính xác một cách tự động và pháo thủ chỉ việc bóp cò. Trong khi trên T-90S/SK, trưởng xa chỉ có thể cung cấp góc hướng tương đối và cự ly cho pháo thủ, từ đó pháo thủ phải tự điều chỉnh tính toán để có thể bắn chính xác mục tiêu.
Rõ ràng, việc sử dụng các xe tăng T-72B1MS của Lào là vô cùng hợp lý khi nó vừa có sức mạnh vượt trội lại vừa phù hợp túi tiền vốn không dư giả gì như quân đội Lào. Tuy nhiên việc các xe tăng T-90S/SK là các xe sản xuất mới hoàn toàn, khung thân rất tốt, vẫn còn nhiều khả năng có thể nâng cấp tăng cường tính năng sau một tương lai sử dụng, hoặc có thể trong các hợp đồng mua sắm xe tăng tới đây, Việt Nam sẽ tiến thẳng lên một phiên bản T-90 mới hơn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu hiện đại hóa lực lượng Tăng - thiết giáp của mình.