Pokpung-ho IV hay còn được phương Tây gọi bằng cái tên M2002 là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất hiện nay của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, và nó cũng hiện là xe tăng có dàn hỏa lực khủng khiếp nhất thế giới hiện nay.
Pokpung-ho IV là biến thể mới được trang bị thuộc họ xe tăng Pokpung-ho được Triều Tiên tự thiết kế, chế tạo, được tích hợp một số công nghệ từ xe tăng T-62, T-72 Liên Xô và Type-88 Trung Quốc.
Với số lượng 250 chiếc được sản xuất, Sư đoàn Cận vệ số 105 là đơn vị duy nhất của quân đội Triều Tiên sở hữu và vận hành loại xe tăng này.
Tuy là xe tăng mới nhất của nước này nhưng sử dụng khung gầm kiểu cũ, cải tiến ở hệ thống bảo vệ của Pokpung-ho chủ yếu tập trung vào việc trang bị giáp phức hợp và các khối giáp phản ứng nổ (ERA) lên thân và tháp pháo xe tăng.
Vì thế Triều Tiên tập trung trang bị hỏa lực rất mạnh để bù đắp lại điểm yếu phòng thủ của Pokpung-ho.
Xe tăng được trang bị pháo chính cỡ nòng 125mm có thể phóng tên lửa qua nòng, súng máy đồng trục 7,62mm.
Trong khi các dòng xe tăng khác chỉ trang bị súng máy phòng không cỡ nòng 7,62mm hoặc 12,7mm thì xe tăng Triều Tiên lại trang bị súng máy hạng nặng 14,5mm.
Một số chiếc còn được trang bị súng phóng lựu phóng loạt hai nòng để tăng thêm sức sát thương đối với bộ binh đối phương.
Chưa hết, loại xe tăng này còn được trang bị cả tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không tầm thấp, có thể nói đây là xe tăng trang bị hỏa lực mạnh nhất thế giới hiện nay.
Dù trang bị hỏa lực phải nói đỉnh nhất so với các xe tăng hiện nay trên thế giới, tuy nhiên giới phân tích chỉ ra rằng việc trang bị "thập cẩm" này chỉ có tác dụng phô trương, thiếu hiệu quả trong thực chiến.
Cụ thể, các xe tăng hiện đại đều sử dụng tên lửa diệt tăng dẫn đường bằng laser phóng qua nòng pháo, trong khi Triều Tiên lại sử dụng tên lửa chống tăng AT-5 Spandrel gắn ngoài.
Tuy nhiên loại tên lửa này sử dụng cơ chế dẫn đường bằng dây, khi bắn xạ thủ phải lộ diện để ngắm bắn, điều này vô tình tạo ra sự nguy hiểm cho chính xạ thủ.
Mặt khác sức xuyên giáp trên loại vũ khí này chưa bao giờ được đánh giá cao. Cũng vậy việc gắn tên lửa phòng không tầm thấp SA-16 bên trên xe tăng tưởng chừng như cực nguy hiểm cho máy bay chiến đấu hoặc trực thăng, tuy nhiên việc ngắm bắn nó rất khó khăn khi trang bị trên xe tăng.
Thứ nhất khi khai hỏa, kíp lái phải trườn ra ngoài, lộ diện hoàn toàn để ngắm bắn, việc ngắm bắn đòi hỏi tốn thời gian, điều này không khác gì đưa người ra làm bia bắn cho đối phương, có khi chưa kịp làm gì kíp lái đã bị bộ binh, hoặc bắn tỉa đối phương, hay chính các trực thăng vũ trang vốn có tầm bắn và trinh sát xa hơn tiêu diệt.
Thứ hai nếu ngừng hẳn xe để xạ thủ ngắm bắn mục tiêu được chính xác hơn, thì điều này lại nguy hiểm cho chính chiếc xe tăng khi chúng là mục tiêu đứng yên "ngon lành" cho trực thăng diệt tăng.
Hơn nữa nếu đối đầu trực diện, quả tên lửa vác vai SA-16 không đủ để giúp Pokpung-ho IV đánh trả trực thăng vũ trang tối tân như AH-64 Apache hay AH-1 Cobra có tầm bắn và trinh sát xa hơn nhiều.
Khi cần chống lại máy bay, có lẽ khẩu trọng liên KPV 14,5 mm còn tỏ ra hiệu quả hơn tên lửa phòng không vác vai SA-16. Thậm chí có ý kiến cho rằng chẳng thà mang ống phóng tên lửa rời để sẵn trong xe còn hơn gắn cố định trên tháp pháo.
Ngoài ra thông số của xe tăng Pokpung-ho IV chưa thực sự ấn tương, trọng lượng xe khoảng 45-48 tấn; kíp điều khiển 3 người; xe sử động cơ diesel công suất 800-1000 mã lực cho tốc độ tối đa 60 km/h, tầm hoạt động 500 km.
Hệ thống điều khiển hỏa lực cũng như hệ thống phòng vệ chưa thực sự đủ tầm để xếp chung với các dòng xe tăng hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.
Có lẽ nhận thấy việc trang bị hỏa lực có phần "ôm đồm" mà không mấy hiệu quả nên các biến thể cải tiến mới Triều Tiên đã gỡ bỏ tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không và cả súng phóng lựu phóng loạt, chỉ để lại khẩu trọng liên 14,7mm bên cạnh pháo chính 125mm và súng máy đồng trục 7,62mm.
Việt Hùng