Xe tăng vượt Cổng Trời ở dãy Trường Sơn
Cổng Trời còn được gọi là 'Túi Bom', bởi mấy chục km đường đèo là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Đường độc đạo, hiểm trở, khi bị đánh chẳng biết tránh vào đâu.
Nằm dọc theo biên giới Việt - Lào, chạy dài từ Tây Thanh Hóa vào đến tận Quảng Nam, Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam đúng như tên gọi của nó.
Chiều cao trung bình của Trường Sơn là 2.000 m, có nhiều đỉnh cao trên 2.500 m như một bức trường thành án ngữ biên giới phía tây của dải đất hình chữ S.
Trên suốt chiều dài của nó Trường Sơn uốn lượn quanh co và có những lúc hình như nó muốn áp sát Biển Đông chỉ để lại một dải đồng bằng mỏng manh như lá lúa và chỗ mỏng nhất chính là Quảng Bình.
Bám theo dải đồng bằng mỏng manh ấy, các con đường xuyên Việt dễ dàng bị chặn đứng bởi không lực Mỹ. Vì vậy, để đưa được bộ đội và hàng hóa vào Nam các con đường vận tải của đường dây 559 bắt buộc phải vòng sang đất Lào. Nhưng để sang được đất Lào người ta bắt buộc phải vượt qua đỉnh Trường Sơn. Cổng Trời là một trong những con đường đó.
Cổng Trời - chắc chắn nó phải cao lắm mới có cái tên “ngạo mạn” ấy. Đứng dưới chân dốc nhìn lên cũng chẳng thấy đỉnh, chỉ thấy chập trùng đèo dốc mà thôi. Chỉ tính nguyên chiều lên của nó đã gần 30 km.
Cổng Trời còn được gọi bằng một cái tên khác - đó là đèo Khỉ - chắc là do nó quá cheo leo, hiểm trở chỉ có loài con cháu của Hầu vương Tôn Ngộ Không sinh sống và qua lại nơi đây (?). Nghe nói đã có rất nhiều xe lăn xuống vực từ độ cao hàng nghìn mét.
Cổng Trời cũng còn được gọi là "Túi Bom" bởi mấy chục km đường đèo chính là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, đường thì độc đạo, hiểm trở, khi bị đánh chẳng biết tránh vào đâu. Nghe nói ở đây hàng đêm phải hứng chịu hàng chục cuộc không kích của đủ loại máy bay trong đó có cả B-52. Chả biết thực hư thế nào nhưng nhìn lên chỉ thấy những sườn núi lở loét như thời đồ đá... Mới nghe nói thôi đã thấy sởn gai ốc.
[...]
17h. Sương núi đã lan ra bảng lảng. Trên trời thằng chỉ điểm đã bay về phía nam rồi mất hút. Đại đội trưởng Thận hạ lệnh xuất phát.
Trời tối dần, đường càng đi càng khó: Những vách ta luy cao ngất như chỉ chực đổ ụp xuống đường, bên dưới là vực sâu hun hút. Đường thì hẹp chỉ vừa hai băng xích xe tăng, có chỗ đất mượn bị xích cào lăn ào ào xuống vực, những khúc cua tay áo cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Cánh lái xe lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mắt căng ra nhìn đường, hai tay giật cần lái liên tục rồi lên số, xuống số. Bình lẩm bẩm:
- Đường với sá gì mà chỉ toàn bò số 1, số 2 thế này.
Không ngờ đại đội trưởng Thận nghe được, anh nhắc:
- Cứ giữ tốc độ thế thôi. Những đoạn đường hẹp nhớ bám sát bên ta luy dương nhé.
Đi được khoảng một giờ một con dốc gần như dựng ngược hiện ra, đã thế lại thắt lại như cái cổ chai và cua gấp. Thận ra lệnh dừng xe cho mọi người xuống, anh dùng đèn pin đánh tín hiệu ra phía sau cho các xe biết rồi xuống xe hỏi Bình:
- Nhiệt độ dầu và nước làm mát thế nào?
Bình cúi nhìn bảng đồng hồ rồi nói:
- Đều lên trăm độ cả rồi nhưng chắc vẫn còn đi được.
- Thế thì đi tiếp. Tớ sẽ đi giữa đường, cậu cứ nhìn bóng áo trắng của tớ mà đi.
Thận cởi cái áo ngoài vứt vào cửa lái xe cho Bình. Bình đáp:
- Vâng ạ!
Phía trước Hiển cùng Tình, Đạt, Trang đang rảo bước. Trang bê một hòn đá, miệng nói:
- Xem chỗ này sâu không nhé!
Nói rồi cậu lăn hòn đá xuống, hòn nọ kéo hòn kia lăn rào rào mãi không dứt. Trang lè lưỡi:
- Chắc phải vài trăm mét chứ không ít.
Hiển bảo:
- Theo tớ ước lượng thì chỗ này cao độ mới chỉ khoảng ba trăm mét. Chưa ăn thua gì đâu, đỉnh này ít ra cũng phải trên nghìn mét.
Cả bọn lắc đầu lè lưỡi.
Phía sau, theo cái bóng lờ mờ của đại đội trưởng, Bình cố căn cho xe đi đúng giữa đường, cậu luôn bám sát ta luy dương nên thỉnh thoảng lá chắn bùn lại va vào vách đá đánh “uỳnh” một cái. Bình ước tính độ dốc phải xấp xỉ 30 độ, không thế làm sao đi số một mà nhiệt độ động cơ cứ lên ầm ầm(!).
Lúc cánh đi bộ đã lên đến đỉnh đoạn dốc hẹp ấy, xe tăng mới bò đến lưng chừng, mấy thầy trò ngồi nghỉ chân mãi xe mới lên đến nơi.
Phải mất đến ba lần xuống xe đi bộ mới tới đỉnh dốc. Thật lạ lùng, cứ tưởng đỉnh dốc phải chon von lắm, hóa ra lại là một đoạn đường khá bằng phẳng và rộng rãi. Đội hình xe nép tạm vào rìa đường nghỉ giải lao và kiểm tra kỹ thuật để chuẩn bị xuống dốc.
Trang và Đạt kéo nhau ra tận mép đường để nhìn xuống dưới nhưng chẳng thấy gì ngoài một màu mây, chúng lại lăn thử một hòn đá nhưng chỉ thấy cũng như lần trước, chẳng biết đâu là đáy.
Hóa ra những hình dung trước đây về chiều xuống của dốc Cổng Trời là sai bét cả. Ai cũng nghĩ chiều lên dốc như thế, hiểm trở như thế thì chiều xuống của nó cũng phải “tương đối”. Nhưng không phải!
Dốc Cổng Trời bên Tây Trường Sơn khá là dễ chịu so với nửa bên Đông, nó thoai thoải và ngắn ngủn, chắc dưới chân dốc là một cao nguyên với độ cao vài trăm mét trên mực nước biển.
Qua đỉnh dốc vài cây số đội tiền trạm đã đón sẵn trên đường để vào khu trú quân. Để vào khu trú quân hôm nay phải đi theo một con suối. Đang là mùa khô nên suối ít nước, lòng suối trơ ra những hòn đá đen bóng to nhỏ khác nhau nằm lổng chổng. Trời đã gần sáng, ai cũng muốn nhanh chóng đến chỗ giấu xe.
[...]
Tất cả tản nhanh về các xe. Tiếng động cơ rộ lên một lúc rồi im hẳn trả lại vẻ tĩnh lặng của cánh rừng. Trời cũng vừa sáng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xe-tang-vuot-cong-troi-o-day-truong-son-post1209539.html