'Xẻ thịt' đồi núi ở Hà Tĩnh để khai thác trái phép đá Thạch Anh
Một số đồi núi tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị xới tung, môi trường bị xâm hại nặng nề bởi việc khai thác đá Thạch Anh trái phép. Hoạt động phi pháp này ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài mà không bị xử lý.
Phóng viên Doanh nhân Việt Nam nhận được phản ánh của người dân tại một số xã miền tây huyện Kỳ Anh về việc xuất hiện một nhóm người đưa máy móc phương tiện lên các đồi núi để khai thác đá bạc. Việc khai thác này khiến cho nhiều vùng đồi núi bị san ủi, đào bới lởm chởm, gây nguy cơ sạt lở đất cũng như khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Từ những thông tin phản ánh, phóng viên đã có buổi ghi nhận thực tế, địa điểm khai thác đá Thạch Anh trái phép nằm sâu trong vùng núi thuộc xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Máy móc được huy động đào bới hết công suất khiến những ngọn đồi bị xới tung, những tiếng động mạnh phát ra khi máy múc va vào đá vang cả một vùng, từ sâu trong lớp đất, những khối đá Thạch Anh được đưa lên chất thành đống. Việc khai thác trái phép diễn ra công khai nhưng không hề gặp phải sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Ông Lê Đ. - một người dân sinh sống gần khu vực khai thác đá bức xúc nói: “Các chú thấy đó, họ khai thác rầm rộ, tiếng máy móc ầm ầm như vậy nhưng có thấy ai kiểm tra gì đâu? Xe cộ các loại từ đào bới tới vận chuyển làm người dân như chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều, mưa thì lầy lội, nắng ráo thì bụi bay mù mịt…”.
Sau khi tiếp cận hiện trường khai thác khoáng sản trái phép, phóng viên tiếp tục bám theo xe vận chuyển đá. Qua nhiều tuyến đường, điểm đến tập kết của những xe hàng này đóng tại phường Kỳ Long, (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Tại đây, hàng trăm khối đá bạc được tập kết nằm trong khuôn viên mỏ đá của Công ty cổ phần xây lắp công nghiệp và thương mại Xuân Hồng. Ở đó, những khối đá thô sau khi vận chuyển về sẽ được công nhân, sử dụng máy móc xay nhỏ và đóng thành kiện để vận chuyển bán đi nơi khác tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hoàng Trường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc thừa nhận có tình trạng khai thác trái phép đá Bạc trên địa bàn như phản ánh. Đơn vị cũng đã lên kiểm tra, đình chỉ việc khai thác trái phép này.
“Việc khai thác đá Bạc xã đã nắm được, diễn ra mới đầu năm 2021. Chúng tôi đã lên kiểm tra và đình chỉ việc khai thác nhưng sau đó họ vẫn tái diễn, hơn nữa khu vực khai thác lại nằm sâu phía trong nên việc kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn?”, ông Trường phân trần và cho biết thêm diện tích bị khai thác khoảng 1,7 ha, việc khai thác trái phép này diễn ra là có trách nhiệm quản lý của xã ở trong đó.
Trái ngược với những trả lời của người quản lý đứng đầu địa phương thì người dân sống tại đây cho biết tình trạng khai thác trái phép đá bạc đã diễn ra trong thời gian dài, từ khoảng đầu năm 2020. Việc khai thác rầm rộ, xe chở đá ra vào tuyến đường xã liên tục nên rất dễ phát hiện.
Không chỉ trên địa bàn xã Kỳ Lạc, mà những xã lân cận như xã Lâm Hợp, Kỳ Sơn tình trạng khai thác đá bạc vẫn diễn ra. Tuy nhiên, chính quyền các xã này vẫn chưa có thái độ quyết liệt trong việc đấu tranh, ngăn chặn.
Cần phải nói thêm rằng, đá Thạch Anh là một loại khoáng sản quý có giá trị lớn trên thị trường hiện nay. Việc khai thác đá Thạch Anh trái phép không chỉ làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh rất lớn. Tại Hà Tĩnh, chưa có bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào được cấp quyền khai thác loại đá này nhưng vì lợi nhuận cao nên đã có nhiều kẻ bất chấp vi phạm pháp luật để khai thác.
Trách nhiệm của các ngành chức năng và những người trong cuộc như thế nào? Doanh nhân Việt Nam sẽ phản ánh trong bài viết tiếp theo.