Xe thường có thể biến thành xe tự lái
Một công ty công nghệ của Israel tự tin sẽ giúp người dùng biến đổi ô tô thông thường thành xe tự lái bắt đầu từ năm 2025.
Công nghệ tự lái trên ô tô đang ngày càng có những tiến triển bởi những nhà sản xuất ô tô tiên phong như Tesla, Volvo, Ford hay “gã khổng lồ” công nghệ Google và Apple. Tuy nhiên, phần lớn đều là các dự án dài hơi vào đầu tư vào xe mới sản xuất. Nhưng với công ty công nghệ Mobileye lại có suy nghĩ ngược lại.
Mobileye là một công ty có trụ sở tại Jerusalem, Israel thành lập từ năm 1999, chuyên về các giải pháp công nghệ hỗ trợ thị giác ứng dụng trên ô tô nhằm cảnh báo va chạm sớm, tăng sự an toàn cho người lái xe. Mới đây tại Hội chợ Điện tử Tiêu dùng (CES) tổ chức ở Mỹ, Mobileye đã công bố kế hoạch gây chú ý, cung cấp công nghệ tự lái cho các ô tô cá nhân vào năm 2025.
Rất ít đối thủ cạnh tranh tham gia về chủ đề này. Trước đó có hãng Waymo (Mỹ) thỏa thuận hợp tác với Fiat Chrysler Automobiles về công nghệ tự lái dành cho xe cá nhân, nhưng đó vẫn là "cơ hội lâu dài", theo lời đại diện của Waymo.
Các chuyên gia dự đoán xe tự lái sẽ bắt đầu đến tay người tiêu dùng dưới dạng phương tiện sở hữu cá nhân sớm nhất vào đầu những năm 2030, với 1 triệu chiếc được bán vào năm 2033 hoặc 2034. Trong đó, Hiệp hội kỹ sư Ô tô SAE phân tích rằng, các công nghệ và môi trường hoạt động phù hợp cho xe tự lái cấp độ 4 sẽ chỉ đến trong một thập kỷ nữa.
“Hoạt động tự lái cấp độ 4 sẽ khả dụng khi có bản đồ địa phương chi tiết và độ nét cao, nơi các điều kiện môi trường được cập nhật một cách rất thường xuyên”, Brian Collie lãnh đạo của công ty tư vấn Boston Consulting Group nhận định. Và đó chính xác là môi trường mà Mobileye tập trung đến.
Trong 5 năm qua, Mobileye đã thu thập dữ liệu từ khoảng 1 triệu phương tiện lưu thông trên đường có chứa camera và hệ thống thị giác máy tính. Mỗi ngày, Mobileye thu thập hơn 8 triệu km dữ liệu lái xe để tạo ra bản đồ độ nét cao.
Bằng cách khai thác đám đông, Mobileye có thể vượt qua những hạn chế về địa lý và xây dựng bản đồ từ bất kỳ con đường nào trên thế giới.
Như vậy, việc phát triển công nghệ tự lái cho xe cá nhân sẽ rất khả thi trong thời gian tới, nhưng chi phí cho việc chuyển đổi cũng sẽ là mối quan tâm của người dùng.
Brian Collie ước tính rằng một hệ thống tự lái sẽ có giá khoảng 9.000 USD cho mỗi chiếc xe, thậm chí là 15.000 USD khi mới thương mại. Nhưng Mobileye tin rằng họ có thể làm giá thấp hơn nhiều, bắt đầu với chi phí thiết bị khoảng 3.500 USD.
Hiện tại Mobileye bắt đầu phát triển các cảm biến của riêng mình để tiết kiệm chi phí, dự kiến sẽ sử dụng cho xe taxi tự lái ở Israel vào năm 2022. Nhưng đối với xe cá nhân, Mobileye sẽ sử dụng công nghệ của Intel trong việc sản xuất chip của riêng mình bắt đầu từ năm 2025.
Mặc dù hiện chưa có nhà sản xuất ô tô nào ký hợp đồng với Mobileye để lắp hệ thống tự lái. Nhưng vào mùa hè năm 2020, hãng Geely của Trung Quốc cho biết sẽ bổ sung hệ thống hỗ trợ người lái rảnh tay SuperVision của Mobileye. SuperVision là một hệ thống mà camera có khả năng hoạt động tự động cấp độ 4 để hỗ trợ người lái xe.
Khi Mobileye tiến hành công nghệ tự lái cấp độ 4 trên taxi, hãng dự định thêm phương pháp đo laze và radar trên hệ thống dự phòng thứ 2 để kiểm tra chéo các hoạt động của hệ thống chính chỉ có camera. Hai hệ thống hoạt động riêng biệt nhưng cùng chạy song song, sẽ tăng tính hiệu quả về độ an toàn.
Ngoài Tel Aviv và Jerusalem, Mobileye đã mở các đường thử nghiệm ở Munich và Detroit trong năm 2020. Đầu năm 2021, công ty cho biết sẽ bổ sung đường thử ở Thượng Hải, Paris và Tokyo. Ở mỗi địa điểm, Mobileye muốn thể hiện khả năng phát triển của hệ thống từ tính năng hỗ trợ người lái sang lái xe hoàn toàn tự động.
Giám đốc điều hành Mobileye, Amnon Shashua cho biết: “Việc có bản đồ độ phân giải cao ở khắp mọi nơi là rất quan trọng, bởi vì bạn không thể bán một hệ thống tự lái cho người tiêu dùng sẽ chỉ được kích hoạt ở một nơi nào đó phù hợp như San Francisco”. Vì vậy, trước mắt Mobileye sẽ tập trung sớm xây dụng bản đồ số độ phân giải cao ở quy mô lớn trong 3 hoặc 4 năm tới trước khi hoàn thiện hệ thống tự lái cho ô tô.
Đình Quý (theo Autonews)
Tin bài cộng tác xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!