Xe trá hình Huế- Đà Nẵng: Càng xử lý, càng nhờn luật, biến tướng
Vấn nạn xe trá hình Huế - Đà Nẵng vẫn bùng phát, biến tướng mặc dù đã có chỉ đạo của các lực lượng chức năng 2 địa phương yêu xử nghiêm, lập lại trật tự vận tải…
Lên các trang mạng xã hội Facebook “xeke…” hay các số điện thoại cầm tay đã truyền nhau, những người có nhu cầu đi xe từ Đà Nẵng ra Huế không quá khó để đặt chỗ trên những chiếc xe trá hình 4-7 chỗ, chủ yếu mang BKS 75 (Thừa Thiên-Huế).
Đơn cử, từ số điện thoại 0914278… (chuyên nhận khách xe trá hình), khách lập tức sẽ được hướng hướng dẫn gọi vào số 0788375….để được hỗ trợ đón từ Liên Chiểu (Đà Nẵng) ra Huế. Ít phút sau, một tài xế xe BKS 75A-1970 điện hẹn đón trên đường Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng) để trực chỉ ra Huế, với giá 120.000 đồng/vé.
Tương tự, chỉ cần vài cuộc điện thoại ngẫu nhiên của khách, chiếc xe 5 chỗ BKS 75A-206.67 đón trên đường Tôn Đức Thắng Chiếc đã đón đưa khách ra phía TP.Huế và trả sau lịch trình 2 tiếng đồng hồ. Việc giao dịch, trả tiền diễn ra công khai. Tài xế hô giá 130.000 đồng/khách và nhận tiền khi trả khách.
Điều đáng nói, dù trong đợt kiểm tra, xử lý xe trá hình của liên ngành Huế và cả phía Đà Nẵng, nhưng không khó để phát hiện, hoạt động xe trá hình “thoải mái” hơn.
Nhiều người cho biết, nếu như trước đây, "cánh tài xế" tỏ ra thăm dò, đề phòng khách, thậm chí cẩn thận tra cứu số điện thoại khách đặt vé, thì nay, nhà xe vô tư nhận khách, công bố giá vé. Hầu như các xe đều làm hợp đồng khống, hoặc lấy tên tuổi, chứng minh nhân dân để điền vào hợp đồng nhằm đối phó cơ quan chức năng. “Họ (liên ngành) ra quân cho có lệ, chứ xử lý sao được. Đâu lại vào đấy thôi. Toàn xe quen cả, không cơ chế sao đi nổi”, một tài xế xe trá hình thản nhiên giải thích.
Ông Nguyễn Phi Cường, Đội trưởng Đội xe buýt Huế (tuyến xe buýt Huế- Đà Nẵng) cho biết, tháng 12/2020, đơn vị đã trực tiếp kiến nghị lên Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, cung cấp hơn 200 đầu xe, biển số xe trá hình rõ ràng. Lúc này, ông Thọ họp chỉ đạo Công an, Sở GTVT, các ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để xử lý nghiêm xe trá hình, lập lại trật tự vận tải.
Hơn 3 tháng sau khi đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế họp, chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc, nhưng thực tế xe trá hình vẫn bùng phát, mỗi ngày hàng trăm chiếc vô tư hoạt động, tần xuất 4-6 lượt/ngày. Người thường cũng dễ nhận biết xe trá hình, huống chi các lực lượng TTKS thường xuyên trên QL1… nhưng vẫn không thể xử lý. Xe trá hình càng nhờn luật và phát triển mạnh hơn.
Với những lần làm khách trên xe trá hình, suốt hành trình ngược xuôi Huế- Đà Nẵng, PV ghi nhận, dù qua chốt CSGT đang TTKS trên QL1 hay thậm chí có bóng dáng của tổ liên ngành trên địa bàn TP.Huế, nhưng những xe trá hình vô tư lọt chốt trạm an toàn…
Thống kê sơ bộ từ các lực lượng chức năng, sau khoảng 3 tháng triển khai xử lý vấn nạn xe trá hình, đến trung tuần tháng 3/2021, lực lượng liên ngành tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện và lập biên bản xử lý hơn 100 trường hợp, chủ yếu các lỗi liên quan hợp đồng vận chuyển không đúng quy định, không có phù hiệu… Đặc biệt, kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều xe trá hình vi phạm chồng vi phạm. Điển hình mới đây, liên ngành phát hiện xe trá hình 7 chỗ BKS 75A - 139.63 vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định và hết hạn chứng nhận ATKT&BVMT…
Tuy nhiên, so sánh từ số liệu từ ngày 25/12/2020 đến 16/1/2021, liên ngành chỉ xử lý 20 trường hợp xe trá hình, tính trung bình mỗi ngày chưa “bắt” được 1 xe. Như vậy, theo đánh giá, con số này quá ít so với thực tế
Theo đại diện tổ liên ngành xử lý xe trá hình Huế (gồm Ban ATGT, CSGT, TTGT, Cảnh sát trật tự…) giải thích, việc xử lý vấn nạn xe trá hình vẫn đang được triển khai theo kế hoạch 2002 21/KH-Ban ATGT (ngày 26/2/2021) và chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh. Nhưng mỗi tháng chỉ tiến hành 10 ngày và gặp khó khăn do các xe đối phó, dùng nhiều chiêu trò, cử “chim lợn” theo dõi. Đáng kể, thay vì dùng phù hiệu hợp đồng, nhiều xe bỏ phù hiệu, ra khỏi đơn vị vận tải để chạy cá nhân, không đăng ký kinh doanh nhằm hoạt động chui, khiến việc đấu tranh phức tạp.
Trong khi đó, nhiều tài xế xe trá hình còn quả quyết, với mỗi biên bản vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh xe hợp đồng, chỉ mất chừng 1,5 triệu đồng, chưa bằng 1 ngày thu nhập. Đó là lý do các xe nhờn luật, vô tư đối phó.