Xe trá hình ở Đắk Lắk - Đắk Nông: Sẽ xử nghiêm vi phạm, không có ngoại lệ
Liên tiếp xe hợp đồng bị kiểm tra, phát hiện vi phạm gom khách lẻ, cần xử lý nghiêm để lập lại trật tự vận tải tuyến Đắk Lắk-Đắk Nông...
Hai chiếc xe hợp đồng trá hình của nhà xe Hoàng Gia và Hồng Nhiên bị CSGT Đắk Lắk lập biên bản xử lý.
CSGT kiểm tra, hàng loạt xe trá hình "sa lưới"
Ngày 21/3, tiếp tục trong vai hành khách, PV dễ dàng làm "thượng đế" trên xe Limousine Hoàng Gia từ TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Khi xe BKS 48B-007.68 đến đón, trên xe hợp đồng này có 5 khách và tiếp tục chạy đón thêm vài hành khách nữa mới xuất phát.
Để làm rõ dấu hiệu vi phạm, PV phản ánh đến tổ CSGT (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk) đang thực hiện TTKS tại Km1790+100, đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột). Ngay lập tức, qua kiểm tra, chiếc xe 48B-007.68 do Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”, nhưng tài xế không xuất trình được hợp đồng vận chuyển theo quy định.
“
Ông Lê Văn Kim, Giám đốc bến xe phía Nam TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Đơn vị vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, Sở GTVT Đắk Lắk phản ánh về tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai. Chúng tôi mong muốn được các cấp lãnh đạo quan tâm, xem xét chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý xóa nạn xe trá hình, xe dù bến cóc lập lại trật tự vận tải, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải và đảm bảo ATGT".
”
Tiếp đó, từ nguồn tin của Báo Giao thông, tổ CSGT tiếp tục dừng kiểm tra xe Hồng Nhiên BKS 48B-007.88 (Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”) nhưng tài xế không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Tổ công tác lập biên bản với lỗi “vận chuyển hành khách không theo hợp đồng vận chuyển”
Tương tự, từ thông tin thực tế của PV khi làm khách trên xe trá hình, tổ CSGT (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông) làm nhiệm vụ tại Km1803 đường Hồ Chí Minh (xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) kiểm tra xe khách Ngọc Thịnh BKS: 48F-000.02 (Sở GTVT Bình Dương cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”), phát hiện tài xế Nguyễn Tất Thành không có hợp đồng vận chuyển”.
Dễ thấy, chưa cần đấu tranh với các hành vi đối phó của nhà xe, tổ TTKS dễ dàng phát hiện xử lý lỗi không có hợp đồng. Nhan nhản vi phạm, nhưng vì sao trước nay việc xử lý xe trá hình không có kết quả khiến dư luận đặt câu hỏi về sự nghiêm minh của cơ quan thực thi pháp luật, đảm bảo trật tự giao thông, vận tải...
Cần quyết liệt xử lý!
Trên đường không khó để bắt gặp xe hợp đồng hoạt động trá hình. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo Trung tá Lê Viết Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, từ 15/12/2020 đến 14/3/2021, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 300 trường hợp xe khách vi phạm, với các lỗi như tốc độ, không phù hiệu, không hợp đồng vận chuyển, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định…
Tuy nhiên, trên đường tình trạng xe hợp đồng hoạt động không đúng quy định vẫn còn xảy ra, khi bị kiểm tra các tài xế tìm cách đối phó gây khó khăn cho công tác xử lý.
Trong thời gian tới, Phòng CSGT sẽ lập kế hoạch, tăng cường công tác TTKS, xử lý đối với loại hình xe này. Đồng thời, đơn vị sẽ lập kế hoạch phối hợp với Sở GTVT, Ban ATGT để xử lý đối với các xe hợp đồng trá hình nhằm đảm bảo trật tự vận tải và ATGT trên địa bàn.
“Chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt để hoạt động vận tải đi vào ổn định, đúng quy định. Chủ đầu tư mở một bến xe hay xe buýt nhưng không có khách, trái lại hoạt động xe trá hình, xe dịch vụ hoạt động gây bức xúc. Biết xe hợp đồng hoạt động đối phó nhưng lực lượng CSGT sẽ xử lý, phải làm mạnh, không xử lý “bắt cóc bỏ dĩa” được.
Đối với loại xe này, lực lượng CSGT không bỏ qua, sẽ không có trường hợp ngoại lệ, không xử lý được”, Trung tá Lê Viết Hải khẳng định.
Xe khách Hồng Nhiên hoạt động trá hình, tập kết khách ngay tại phòng vé. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Thời gian qua, Sở GTVT đã mạnh tay xử lý đối với xe hợp đồng hoạt động trá hình. Trong đợt cao điểm thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT, phát hiện 23 phương tiện vi phạm, lập 28 biên bản vi phạm hành chính liên quan lỗi hoạt động trá hình...
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, do thẩm quyền của lực lượng TGTT còn hạn chế, không có chức năng dừng xe kiểm tra, chỉ kiểm tra đối với vi phạm “tĩnh” nên rất khó trong công tác xử lý. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, Ngành vận tải và Công an phải vào cuộc quyết liệt thì mới xử lý được.
Cũng theo ông Mạnh, trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo lực lượng TTGT tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động xe hợp đồng trá hình. Phối hợp với Sở GTVT các tỉnh cấp phù hiệu để xử lý nghiêm các xe hợp đồng nhưng chạy tuyến cố định nhằm đảm bảo công bằng, ổn định trật tự vận tải trên địa bàn.
Ông Lê Đình Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Hiện nay, xe hợp đồng trá hình, không riêng gì ở Đắk Lắk mà cả nước đang xảy ra.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, đối với những xe do Sở GTVT Đắk Lắk quản lý chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý và chấn chỉnh, còn đối với các xe lấy phù hiệu ở tỉnh khác Sở GTVT sẽ có văn bản gửi nơi cấp phù hiệu, xem xét đối với những xe trên vì tình trạng này đang gây khó khăn trong công tác quản lý.
Không thể cấp phù hiệu mà không quản lý, để các xe hoạt động không đúng quy định gây mất trật tự vận tải, mất ATGT. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng TTGT tăng cường xử lý quyết liệt đối với xe hợp đồng trá hình", ông Minh nhấn mạnh.
Trung tá Nguyễn Công Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt 441 phương tiện xe khách vi phạm, ra quyết định xử phạt, nộp ngân sách hơn 382 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu với các lỗi vi phạm như quá tốc độ, hợp đồng vận chuyển...
Thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân trực tiếp xảy ra tai nạn như tốc độ, đi không đúng phần đường, đón trả khách.
Đối với phản ánh về tình trạng xe hợp đồng trá hình, Phòng CSGT sẽ chỉ đạo lực lượng TTKS, tăng cường xử lý quyết liệt để vừa bảo đảm ATGT, vừa lập lại trật tự vận tải đối với loại hình kinh doanh trên”.