Xe Volkswagen có bản đồ hình lưỡi bò: Xử lý Volkswagen Việt Nam thế nào?
Có hai chế tài để xem xét, xử lý Volkswagen Việt Nam khi trưng bày xe ô tô Volkswagen có bản đồ hình lưỡi bò. Theo đó tùy từng tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ việc "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trên chiếc Volkswagen Touareg tại Triển lãm VMS 2019 dấy lên bất bình trong dư luận.
Theo tìm hiểu mẫu xe trưng bày được đưa về nước theo diện "tạm nhập tái xuất" để phục vụ mục đích trưng bày tại sự kiện ôtô. Mẫu xe này được Volkswagen Việt Nam mượn của đối tác Trung Quốc.
Đại diện Volkswagen Việt Nam khẳng định "đây là sơ suất không kiểm tra kỹ trước khi đem trưng bày tại triển lãm", đồng thời gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, với việc xem nhẹ chủ quyền quốc gia, thì lời xin lỗi của Volkswagen Việt Nam là chưa thỏa đáng và cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bị nhiều quốc gia trên thế giới phản đối chứ không riêng gì Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam không thừa nhận việc tuyên bố chủ quyền biển đảo đơn phương từ phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và công ước Luật biển năm 1982.
Việc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò đã xâm phạm nghiêm trọng đến Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.
Bởi vậy, mọi hành vi tuyên truyền, cổ xúy cho đường lưỡi bò phi pháp này đều là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
“Việc tại triển lãm ôtô Việt Nam (Vietnam Motor Show 2019) để xảy ra tình trạng Volkswagen Việt Nam trưng bày xe xuất hiện "đường lưỡi bò" ở phần mềm định vị thể hiện việc thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm duyệt”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường dẫn vụ việc mới đây, hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng từng xuất hiện trong bộ phim hoạt hình được công chiếu trên nhiều hệ thống rạp tại Việt Nam và cho rằng, chúng ta đã và đang thiếu cảnh giác khi để lọt nhiều nội dung sai trái về biển đảo, chủ quyền quyền quốc gia được tuyên truyền thông qua hình thức lồng ghép, cài cắm nhiều nội dung không đúng sự thật vào các bộ phim hay thậm chí là đồ dùng công nghệ hay thiết bị được sử dụng tại Việt Nam.
“Việc tuyên truyền “đường lười bõ” thể hiện sự xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến chủ quyền, uy tín quốc gia, dân tộc, do đó cần có biện pháp xử lý mạnh tay để chấm dứt tình trạng này”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Từ đó, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, có hai chế tài để xem xét, xử lý hành vi này, theo đó tùy từng tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo khoản 6 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định cá nhân hay tổ chức nào có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Hoặc theo khoản 5 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định thì phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội có một trong các hành vi như Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm hoặc tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 3 tháng.
Còn trong trường hợp người nào có hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân hoặc Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự.
Theo đó, tùy từng tính chất mức độ nguy hiểm có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm tù.
“Vụ việc lần này cho thấy các cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý, giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ để ngăn chặn những hình ảnh, nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật về chủ quyền quốc gia có thể xâm nhập vào nước ta. Đối với trường hợp vi phạm cần xử lý thật nghiêm theo quy định thì mới có thể loại bỏ được những hành vi này”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho rằng, chủ sở hữu tài sản là chiếc xe đó phải chịu trách nhiệm với những thông tin, hình ảnh lưu hành, truyền bá trên xe. Ngoài ra nếu hãng xe, đơn vị nhập khẩu biết việc đó nhưng vẫn lưu hành, sử dụng thì hãng xe cũng phải chịu trách nhiệm.
Đối với đơn vị đăng kiểm sẽ bị xem xét trách nhiệm theo quy định về đăng ký kiểm. Thông thường, việc đăng kiểm thì chỉ xem xét về những thông số kĩ thuật, còn tính năng về giải trí thì không có trong các hạng mục đăng kiểm, bởi vậy rất khó để bắt lỗi cơ quan đăng kiểm. Người có lỗi, là chủ sở hữu, sử dụng có vi phạm thì mới bị xử lý theo quy định pháp luật.