Chứng kiến trận đấu, du khách không chỉ thấy được vẻ đẹp duyên dáng, mặn mà của những thiếu nữ núi rừng mà còn được chiêm ngưỡng nét cá tính, tinh thần thể thao niềm yêu thích môn thể thao “vua” của những cô gái dân tộc Sán Chỉ mặc váy, vấn khăn.
Các nữ cầu thủ không mặc quần đùi, áo số như trong các giải bóng đá bình thường mà mặc trang phục đặc trưng của dân tộc mình.
Những cô gái trong bộ áo cánh xanh cùng váy đen, chân đi giày, đầu đội khăn vấn xanh có đính thêm dải len hồng.
Mỗi đội bóng gồm 7 cầu thủ, một mặc áo có màu xanh nhạt hơn, đội còn lại mặc màu sẫm hơn.
Những pha tranh bóng quyết liệt không kém những trận cầu đỉnh cao của bóng đá, nhưng cũng có những pha bóng khiến người xem không thể nhịn cười.
Những bắp chân tròn lẳn, những đường bóng tuy vụng về nhưng đầy quyết tâm.
Tiếng hò reo, khích lệ của các “cổ động viên” là những du khách trở thành nguồn cổ vũ cho các “tuyển thủ” tranh tài.
Chắc hẳn bất kỳ du khách nào nếu được chứng kiến trận đấu sẽ đều cảm thấy cùng thích thú và ấn tượng.
Hình ảnh những cô gái mặc váy đá bóng không chỉ là nét đẹp mới đầy sáng tạo cho tinh thần thể thao, mà còn thể hiện vẻ đẹp của những con người lao động một cách chân thực, gần gũi nhất.
Từ các em gái 15 tuổi cho đến các chị đã có gia đình, dù kỹ năng chưa thuần thục nhưng với niềm đam mê và tình yêu dành cho môn thể thao vua, chị em Sán Chỉ vẫn phô diễn những màn đi bóng, những cú sút thu hút nhiều người dân và du khách.
Thông thường, thi đấu bóng đá nữ Sán Chỉ chỉ được tổ chức từ ngày 15 đến 19/4 tại Lễ hội Soóng Cọ - ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (thuộc dân tộc Sán Chay) tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lần đầu tiên, trận bóng được đưa vào lễ hội du lịch đường phố Hạ Long (Halong Street Travel Fest ) - “Hội Xuân Di Sản”. Chương trình diễn ra từ ngày 2-4/4/2021. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động thú vị khác như ném còn, đẩy gậy, thi thổi cơm niêu, trình diễn văn nghệ...
Tiến Dũng