Xem chăm 'chúa sơn lâm' như chăm con mọn ngày Tết
Ngày qua ngày, những người chăm sóc những cá thể hổ sau khi giải cứu khỏi nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn tỉ mỉ chăm sóc, chăm lo bữa ăn cho chúng như chăm con mọn.
Thấy người lạ xuất hiện, những chú hổ gầm gừ, chồm lên các song sắt. Anh Nguyễn Sỹ Quốc, nhân viên Trung tâm Cứu hộ Ðộng vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết, khi được giải thoát từ những kẻ buôn bán động vật hoang dã, mỗi con chỉ nặng 3-5 kg, sau 4 tháng chăm sóc nay đã được 20-25 kg, cá biệt có con đã nặng trên 30 kg.
Thời điểm mới về nhà mới, những cá thể hổ này mới sinh nên rất yếu, có biểu hiện tiêu chảy, mắc bệnh đường ruột. Bộ phận chuyên môn của Vườn Quốc gia Pù Mát đã dành những điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Không bao lâu sau, chúng dần thích nghi với môi trường mới, hồi phục sức khỏe và bắt đầu vận động.
Anh Ðặng Thanh Tuấn, người chăm sóc động vật hoang dã ở Trung tâm Cứu hộ cho biết, đầu tiên chúng được uống loại sữa nhập khẩu, 6 lần mỗi ngày. Hơn một tháng sau, hổ dần tăng cân. Tiếp đó, nhân viên cứu hộ tập cho chúng làm quen với thịt bò bằng cách lấy nước luộc thịt bò pha với sữa. Khi con vật quen với mùi vị thì chuyển sang cho ăn bò tái, sống.
“Lúc hổ còn bé, có thể bồng bế cho uống sữa nhưng giờ không thể tiếp xúc gần vì con vật lớn và hung dữ hơn”, anh Tuấn nói và cho hay khi còn nhỏ, những chú hổ này được cân kiểm tra trọng lượng mỗi ngày 2 lần để theo dõi. Bình quân mỗi tháng, mỗi con hổ tăng được khoảng 5 kg. “Nhìn những chú hổ do chính tay mình chăm sóc mỗi ngày khỏe mạnh, lớn lên từng ngày anh em chúng tôi ai cũng mừng”, anh Tuấn nói.
Hiện những chú “chúa sơn lâm” này đã hoàn toàn ăn thịt. Mỗi ngày chúng được ăn hai lần vào bữa sáng và chiều. Khẩu phần có thể thay đổi bằng thịt gà hoặc thỏ nhưng sẽ nhiều hơn, do hàm lượng calo không bằng thịt bò. Hơn một giờ sau khi hổ ăn, nhân viên trung tâm cứu hộ sẽ đến dọn vệ sinh chuồng, chuồng cũng được vệ sinh sạch sẽ 2 lần mỗi ngày.
Vội vã cắt hơn chục cân thịt bò để chia cho đàn hổ khi chúng đang gầm lên vì đói, anh Tuấn cho hay lúc còn bé, cọp kêu nhỏ nhẹ như mèo, nuôi một thời gian thì chúng bắt đầu vỡ tiếng, khi trưởng thành thì hay gầm thét. “Thú thật, lần đầu nghe cọp gầm, chúng tôi ai cũng giật mình sợ hãi nhưng riết rồi quen. Để đảm bảo an toàn, anh em chúng tôi cũng luôn giữ khoảng cách nhất định mỗi khi đến gần”, anh Tuấn chia sẻ.
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, việc chăm sóc 7 con hổ sau cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn, trong đó cơ sở vật chất là vấn đề nan giải nhất đối với đơn vị này. Hiện dãy chuồng được dùng nhốt hổ mỗi gian rộng khoảng 15 m2 bằng tường xây, cửa sắt.
Là đơn vị tiếp nhận, chăm sóc cho hàng trăm loại động vật hoang dã sau giải cứu, song hiện Vườn quốc gia Pù Mát vẫn chưa có khu nuôi hổ. Dãy chuồng trại nuôi hổ hiện tại vốn được cải tạo từ chuồng nuôi động vật khác.
“Chuồng nuôi rất chật hẹp, chỉ dành cho hổ bé. Hổ ngày càng lớn thì bản năng và sinh hoạt cũng khác trước, đòi hỏi diện tích chuồng nuôi phải rộng hơn rất nhiều”, ông Cường nói.
Do không đáp ứng được yêu cầu về chuồng nuôi, ông Cường cho biết đơn vị này cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An chuyển các con hổ tới các trung tâm cứu hộ khác ngoại tỉnh để phù hợp việc chăm sóc trong thời gian tới.