Ngay từ sáng sớm, khoảng chục công nhân có mặt tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dọc đoạn đường Trường Sa - Hoàng Sa (nối từ Quận 3 đến quận Phú Nhuận) để nạo vét kênh. Tất cả các đơn vị phải nạo vét bề rộng đáy kênh 15m, cao độ nạo vét khoảng 3,3m với khối lượng khoảng hơn 33.600m3.
Ngày 4/10, Trung tâm Quản lý giao thông thủy TP.HCM (thuộc Sở GTVT) xác nhận đơn vị đang nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Cụ thể từ ngày 1/10, đơn vị nạo vét từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 5,8 km và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.
Sau đó, số bùn nạo từ kênh sẽ được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM) xử lý.
Anh Nguyễn Quốc Bá (tài xế lái xe vận chuyển bùn thải) cho biết: "Riêng đối với đơn vị chúng có đến gần 70 người làm việc tại đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mỗi ngày. Mọi người làm việc từ sáng sớm đến chiều với sự trợ giúp của các thiết bị máy móc, sau đó thì vận chuyển bùn thải về bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh để xử lý".
Cũng theo anh Bá, việc nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có sự kết hợp của nhiều đơn vị. Đơn vị của anh chỉ phụ trách quá trình thu gom và vận chuyển bùn thải. Còn việc nạo vét bùn trên từng đoạn kênh do các đơn vị khác thực hiện dưới sự quản lý của Trung tâm Quản lý giao thông thủy TP.HCM.
Những tấn bùn đen được nạo vét từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bốc mùi hôi thối.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông thủy TP.HCM, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã 10 năm nay chưa được nạo vét.
Việc nạo vét nhằm khôi phục dòng chạy thông thoáng hơn, giải quyết được tình trạng mùi hôi thối, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Được biết, công tác nạo vét chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, đoạn 1 và đoạn 2 từ cầu Lê Văn Sỹ (Quận 3, TP.HCM) đến đường Út Tịch (quận Tân Bình) đã hoàn tất hồi tháng 2/2020. Giai đoạn còn lại dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.
KHUẤT NGUYÊN