Xem dân nhậu miền Tây biến tấu, thịt chuột kinh dị cũng thành đặc sản vạn người mê
Thịt chuột không phải món ăn quá lạ đối với người dân Việt Nam tuy nhiên không phải nơi nào thịt chuột cũng ngon. Phải tìm về chốn miệt vườn, bắt những con chuột đồng béo tốt, mang về khìa với nước dừa mới đúng chuẩn mĩ vị miền Tây vạn người mê.
Nhắc đến chuột, ta lại nghĩ đến loài gặm nhấm hôi thối chuyên chui rúc phá hoại đồ đạc trong nhà cửa. Tuy nhiên đấy là loại chuột cống, chuột nhắt, chuyên sinh sống trong nhà dân.
Ở ngoài đồng cũng có chuột. Những con chuột này đào đất làm tổ, sống về đêm, cũng phá hoại nhưng thức ăn của chúng là mầm lúa, là khoai là sắn nên con nào cũng béo tốt.
Nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ và sông Cửu Long, chuột được giao bán rộng rãi như một nhu yếu phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày. Thậm chí, tại nhiều miền quê, thịt chuột còn được coi là món đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ tết trọng đại.
Nhiều người tả thịt chuột thơm như thịt gà nhưng mềm và dai hơn. Du khách phương xe nghe đến vừa sợ lại vừa tò mò muốn nếm thử đặc sản lạ.
Ở đồng quê, chuột có nhiều quanh năm, nhưng thịt chuột ngon nhất là khoảng tháng 4 tháng 5 âm lịch. Mùa mưa bắt đầu, lúa non cỏ non xanh mơn mởn, chuột tha hồ mà gặm nhấm, con nào con nấy, lông vàng mướt, béo ngậy.
Thời điểm này người dân tạm gác công việc hàng ngày, bỏ một chút thời gian phải ra đồng, rủ theo 2,3 người, xách giỏ đi bắt chuột.
Có nhiều cách bắt chuột như đào hang, bẫy, xiên... Nhiều khi, chỉ với vài dụng cụ đơn giản là có thể bắt đầu một cuộc săn đầy thú vị. Khi lúa chín nhưng chưa cắt, người dân sẽ dùng lưới vây, đặt bẫy lồng sau đó dùng dây có treo vỏ lon để tạo ra tiếng động, khiến chuột chạy ra khỏi lúa. Sau đó, họ sẽ kéo gom chuột lại bắt. Mỗi lần như vậy, số lượng chuột bắt được có thể lên tới vài trăm con.
Cách khác dễ hơn là dùng chó săn để đánh hơi những hang chuột đang sống. Ngoài ra, bà con còn đào hang, bẫy, xiên từ trong ruộng lúa hoặc chỉ cần hun khói vào hang là chuột sẽ đua nhau chạy ra…
Chuột mang về không cần cắt tiết cầu kỳ mà chỉ cần đập đầu cho bất tỉnh rồi nhúng vào nước sôi, làm sạch lông là đã có thể chế biến. Thịt chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, có thể là thịt chuột nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức. Tốn thời gian hơn thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt, khía nước dừa, rô ti…
Hầu hết nhiều người dân miền Tây thích nhất món thịt chuột khìa nước dừa. Đầu tiên, người ta phải dùng rơm để thui rồi mới tiến hành mổ, bỏ hết lòng phèo, chỉ để lại gan, tim.
Chuột nguyên con chặt mỗi ra thành 3-4 phần tùy con to hay nhỏ, sau đó ướp chuột đã chặt với nước dừa, ngũ vị hương, tỏi ớt gia vị. Người Miền tây khuyên cho đường nhiều một chút để chuột có màu vàng tươi tự nhiên sau khi khìa.
Thịt chuột sau khi tẩm ướp không được bắc bếp luôn mà để khoảng 60 phút cho ngấm đều gia vị. Khi nổi lửa, thịt chuột được cho lên chảo, khìa với dầu ăn đến khi săn lại thì đổ nước dừa vào; vặn nhỏ lửa cho đến khi nước trong nồi vừa cạn, có màu vàng óng như hổ phách thì dừng lại.
Thịt chuột khìa nước dừa ăn mềm, ngọt thanh cùng hương thơm phức của các loại gia vị. Dù được khìa với nhiều gia vị nhưng dân nhậu vẫn chấm thịt với cẩm tương (tương xay, sả, ớt, tỏi, nước cốt dừa, đậu phộng rang đâm nhuyễn, đường, bột ngọt) cho đồng điệu, cảm nhận hết cái thú của món ăn.
Đến với miền Tây, thưởng thức thịt chuột, nhâm nhi rượu đế giữa ghe thuyền trên sông nước, đó là một trải nghiệm không gì thú vị bằng.
Chuột đồng là món ăn ngon, song không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức. Nhiều người tò mò xen lẫn sợ hãi khi thấy món ăn này. Tuy nhiên, nếu đã có cơ hội được thử một lần, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn những dư vị tuyệt vời mà món ăn độc đáo này mang lại.
Nhiều người vẫn bảo nhau rằng, về bất kỳ tỉnh nào của miền Tây mà không thưởng thức món chuột đồng thì xem như chưa biết gì về đặc sản miền sông nước.
Bá Di (Tổng hợp)