Xem gì, chơi đâu dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5?
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày. Nhiều chương trình giải trí, vui chơi được tổ chức.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là dịp để người dân, các gia đình lên kế hoạch đi chơi. Có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, những điểm đến hấp dẫn đón chờ người dân trải nghiệm.
Sân khấu kịch tấp nập
Sau thời gian “ngủ đông” vì dịch bệnh, nhiều sân khấu kịch tại Hà Nội đã dần đi vào hoạt động trở lại. Dịp lễ 30/4 năm nay, một số đơn vị “trình làng” những vở diễn mới.
Nhà hát Tuổi trẻ sáng đèn với hài kịch “Cái…ao làng”, là bức tranh đầy màu sắc về một làng quê yên bình, dung dị, nơi những người dân chân chất đứng trước biến động của xã hội hiện đại đang trên đà thay da đổi thịt.
Ở đó, ông Quyền – một trưởng thôn ích kỷ, tham lam, cơ hội đã lập bè nhóm, mưu lừa dối dân làng hòng tranh thủ sự ủng hộ cho những việc "nói một đằng, làm một nẻo", để trục lợi từ cái ao làng vốn gắn bó với người dân.
Phía bên kia, Nhà hát kịch Việt Nam lại mang màu sắc khác với vở kịch chính luận “Nhân thế”, mang nhiều suy tưởng sâu sa về cuộc sống, đề cập tới những vấn nạn nhức nhối như tham nhũng, sự tha hóa đạo đức của con người.
Từ đó, tác phẩm thức tỉnh mỗi con người, hiểu rõ ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng. Vở diễn hội tụ những diễn viên như NSƯT Dũng Nam, Tô Dũng, Thu Hà, Minh Thu…
Trong khi đó, các sân khấu xã hội hóa của TP.HCM cũng tất tả chuẩn bị nhiều vở diễn. Những sân khấu như kịch Idecaf, Thế giới trẻ, Kịch 5B, kịch Hồng Vân… đều dày đặc các suất diễn.
Ở sân khấu Idecaf, hai ngày 30/4 và 1/5 là hai vở diễn khác nhau như “Mưu bà tú” và “Người lạ người thương rồi người dưng”. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng có các vở đa dạng đề tài như “Ma nữ không chồng”, “Kỳ án 292”, “Người vợ ma I”... Sân khấu 5B và Thế giới trẻ, thậm chí đã diễn mỗi ngày 2 suất.
Đa dạng chương trình vui chơi
Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra vào dịp lễ 30/4-1/5 năm nay. Tại Hà nội có Lễ hội quà tặng Hà Nội 2022 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm với 100 gian hàng. Đây là không gian trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm quà tặng du lịch của các nghệ nhân được thiết kế sáng tạo như những hộp quà.
Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều không gian khác như Không gian văn hóa làng nghề Hà Nội; không gian văn hóa nghệ thuật; không gian giới thiệu sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp du lịch…
Công viên Thiên đường Bảo Sơn lại tổ chức Lễ hội Đại dương (Ocean Festival), lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Nàng Tiên Cá.
Theo đó, sẽ có những hoạt động nghệ thuật như Carnival Vũ hội Đại dương, để các nghệ sĩ múa hóa thân thành những nhân vật cổ tích như Nàng Tiên Cá, Vua Thủy Tề, Binh đoàn Đại dương… giao lưu cùng khán giả. Ngoài ra, còn có vở xiếc nhạc kịch “Chuyện tình biển xanh” được dàn dựng suốt 1 năm qua, lần đầu tiên được ra mắt.
Trong khi đó, tại TP.HCM năm nay lại bắt đầu bắn pháo hoa mừng ngày lễ lớn của đất nước. Hai địa điểm tổ chức bắn pháo hoa là khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) và một điểm tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (phường 3, quận 11). Thời gian bắn pháo hoa từ 21h ngày 30/4, bắn trong vòng 15 phút.
Cùng đó, sẽ có chương trình nghệ thuật “Việt Nam trong trái tim ta” diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ vào ngày 29/4. Chương trình có sự tham gia của những nghệ sĩ như NSND Quang Thọ, Thoại Miêu, Vân Khánh, Trọng Hữu…
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xem-gi-choi-dau-dip-nghi-le-304-15-d550591.html